Âm vang đại ngàn

Chim rừng ríu rít gọi nhau khi tiết trời chuyển dần sang xuân, cũng là thời điểm tiếng Mã la, tiếng đàn Chapi, tiếng Kèn bầu lại vang lên, gợi cho lòng người những xúc cảm hoang sơ của đại ngàn Bác Ái…

(NTO) Theo một tài liệu nghiên cứu, hiện nay trong cộng đồng người Raglai ở Ninh Thuận vẫn còn lưu giữ đến 20 loại nhạc cụ truyền thống. Từ những chiếc kèn bầu Sarakel mang hình dáng độc đáo từ trái bầu dân dã, đến dàn mã la độc đáo với âm thanh vang vọng huyền bí và cây đàn Chapi vốn quen thuộc qua bài hát nổi tiếng “Giấc mơ Chapi” của Nhạc sĩ Trần Tiến, đến những chiếc trống làm bằng thân cây rừng… Người Raglai vẫn lưu giữ những giá trị truyền thống, với những âm thanh từ quá khứ còn gởi lại.

 
Biểu diễn kèn bầu Sarakel.

Những năm qua, công tác bảo tồn những giá trị truyền thống trong văn hóa Raglai luôn được huyện Bác Ái hết sức quan tâm. Nhờ đó, tình trạng “chảy máu” di vật truyền thống đã phần nhiều được hạn chế. Trong làng, người già dạy lại cho người trẻ cách đánh mã la, thổi kèn bầu, chơi đàn Chapi. Núi rừng lại âm vang những tiếng nhạc làm say đắm lòng người.

Thôn Ma Oai, xã Phước Thắng còn đến 9 bộ mã la (mỗi bộ gồm có 9 chiếc) trong các gia tộc: Ka-tơ, Chamaléa, Pi-năng, Pa-tâu A-xá,… đây là niềm tự hào của người Raglai nơi đây. Ngoài ra Ma Oai còn lưu giữ cách chế tác các nhạc cụ như Chapi, kèn bầu Sarakel, trống,… Ông Mai Thấm, một trong những người có riêng một bộ mã la 9 chiếc trong nhà kể lại: “Ông bà xưa để lại cho mình 5 chiếc, 4 chiếc còn lại mình đi tìm mua ở Buôn Mê Thuột. Đây là vốn quý của người Raglai mình mà, phải giữ chớ. Trong nhà có 9 đứa con, đứa nào mình cũng dạy đánh mã la hết. Tới giờ thì đánh được rồi, chúng còn tham gia đội mã la trẻ của thôn nữa.” Chàng thanh niên Ka-tơ Nhuột, con trai ông, năm nay 18 tuổi, nói trong niềm vui: “Nhờ người lớn dạy, thanh niên tụi mình mới biết được những nhạc cụ của ông bà tổ tiên. Ai cũng cố gắng tập luyện cho thuần thục để còn mong muốn được đem mã la ra ngoài biểu diễn cho nhiều người xem nữa.” Được biết, Ma Oai có 2 đội mã la và được cử đi tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa các cấp. Những gì Ma Oai còn gìn giữ như một tín hiệu vui cho công tác bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của người Raglai trên miền đại ngàn Bác Ái này. Ở những thôn, xã khác, chapi, kèn bầu, đặc biệt là mã la vẫn còn hiện diện rất nhiều trong cuộc sống của họ.

 
Ông Nguyễn Văn Như biểu diễn đàn đá do chính ông chế tác.

Ngược lên vùng núi Phước Bình, chúng tôi biết được có một người Kinh nhưng lại đang sở hữu một loại nhạc cụ rất đặc biệt của người Raglai, đó là đàn đá. Ông là Nguyễn Văn Như (thôn Bạc Ray 1), cách đây hơn 10 năm, ông cùng gia đình từ Ninh Sơn lên vùng cao này lập nghiệp. Bộ đàn đá của ông rất đặc biệt bởi nó là đàn của thế kỷ 21 này, hoàn toàn mới, do chính ông lặn lội sưu tầm từng tảng đá, chế tác từng phiến đàn. Đến nay, bộ đàn đá này đã 18 phiến, nặng gần 100 kg. Khi gõ, từng giọt, từng giọt âm thanh réo rắt tựa hồ như tiếng suối đầu nguồn, có khi lại trong veo như tiếng mưa rừng. Ông Như trải lòng: “Tới giờ, bộ đàn đá nổi tiếng của người Raglai chỉ còn thấy ở Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tôi chưa từng được nghe, được thấy bao giờ. Cũng vì quá đam mê tiếng đá trong trẻo nơi núi rừng này mà tôi quyết tâm đi tìm để phục hồi một loại nhạc cụ độc đáo của người Raglai. Người xưa đã tài năng chế ra đàn đá, chẳng lẽ thế hệ sau với cuộc sống hiện đại hơn lại không thể làm được.” Tuy nhiên, cũng chưa có nghiên cứu nào xác định đây có giống với đàn đá cổ của người Raglai hay không, nên ông Như tâm sự: “Tôi mong ngành Văn hóa cử cán bộ đến xem rồi hướng dẫn tôi làm cho đúng với đàn đá xưa, để bảo lưu những âm thanh tuyệt vời của đá núi đại ngàn…”. Dẫu vậy, đàn đá của ông vẫn réo rắt những bài ca cách mạng quen thuộc, ngày ngày tô điểm thêm sắc màu cho núi rừng Phước Bình.

Xuân đang về, vẳng đâu trong gió núi đại ngàn, những âm thanh như tự ngàn xưa vọng lại, ngỡ như mơ nhưng lại là sự thật….