Ngành Tài nguyên và Môi trường: Qua một năm nhìn lại

Năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo thực hiện ngày một hiệu quả công tác quản lý đối với các lĩnh vực chuyên ngành.

(NTO) Công tác quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường được thực hiện, tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong năm, đã phát động nhiều đợt cao điểm trồng cây xanh, thu gom rác thải và làm vệ sinh môi trường được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động như: “Tết trồng cây-Nhớ ơn Bác Hồ”; Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2011; Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học; Ngày môi trường thế giới; Ngày Đại dương thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2011 và Ngày nước thế giới…được cán bộ và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.

Lễ Mít-tinh quốc gia Ngày Nước Thế giới 2011, với chủ đề “Nước cho phát triển đô thị”. Ảnh: V.Miên

Tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trong thời gian ngắn đã hoàn thành toàn bộ các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng góp phần cho đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án trọng điểm, quan trọng của tỉnh như các dự án nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; dự án khu đô thị, khu du lịch và công viên biển; các dự án của ngành giao thông, thuỷ lợi... Đây là những dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh trong việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngành Tài nguyên và Môi trường nỗ lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với 7 lĩnh vực: Tài nguyên đất, đo đạc bản đồ, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, biển đảo, trong đó có một số giải pháp chủ yếu như sau:

- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 12-6-2009 của Chính phủ và Chỉ thị số 1474/TTg ngày 24-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở đất đai.

- Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011– 2015) cấp tỉnh, huyện và quy hoạch chi tiết sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 của 64 xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án lập quy hoạch tổng thể sử dụng tài nguyên nước và quy hoạch bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đúng pháp luật. Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25-4-2011 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển khoáng sản và hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi tham gia thi vẽ tranh nhân Ngày Nước thế giới. Ảnh: D.Anh

- Thực hiện có hiệu quả xã hội hóa một số lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Chương trình hành động về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Dự án quản lý nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước được Chính phủ Bỉ tài trợ.

- Tập trung đúng mức công tác bảo vệ, cải thiện môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý chặt chẽ, không để xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông, suối và biển. Có chế tài xử lý nghiêm minh các vi phạm về bảo vệ môi trường. Tăng cường thu gom và xử lý rác thải, chất thải rắn. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật bảo vệ môi trường.

- Xác định bảo vệ môi trường là thước đo hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động kinh tế; nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý hoạt động quan trắc, phân tích môi trường, lập và thẩm định báo cáo; đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường. Kết hợp hài hòa với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong giới hạn cho phép về mặt sinh thái và bảo vệ môi trường bền vững.

- Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế hóa ngành Tài nguyên và Môi trường để nâng cao giá trị thực của nguồn tài nguyên theo cơ chế kinh tế thị trường, nhằm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước như: thu phí, lệ phí, thuế trước bạ nhà đất, thuế tài nguyên, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, đồng thời tạo sự đồng thuận trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; hạn chế thất thoát, tránh lãng phí nguồn tài nguyên trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về chính sách pháp luật đất đai. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp lý cơ bản về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, hải đảo. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.