Sức xuân Thuận Bắc

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh với gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tuy còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Bắc luôn chung sức, chung lòng để thực hiện đạt được những thành tựu đáng tự hào.

(NTO) Phát huy tiềm năng, đầu tư thế mạnh

Có thể nói, Thuận Bắc đang “sở hữu” nhiều tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội. Địa hình vừa có núi, đồi, có đồng bằng để phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi; có hồ, có biển để nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, phát triển du lịch; nguồn tài nguyên khoáng sản có thể khai thác phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng..... Những “tài nguyên” đó cộng với vị trí thuận lợi, có tuyến quốc lộ 1A, đường sắt đi qua, gần Sân bay Quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), Cảng Cam Ranh, Cảng Ninh Chữ chính là lợi thế quan trọng để phát triển thương mại, dịch vụ.

 
 Hồ Sông Trâu phát huy hiệu quả tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân địa phương.
Ảnh: Văn Miên

Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp Du Long, Suối Đá… các tiềm năng lợi thế khác của huyện cũng đang được đánh thức với nhiều dự án kinh tế quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng, năng lượng gió hay các dự án du lịch như: Dự án Resort Ganesa- Phước Chiến, Khu Du lịch Bình Tiên, Khu Công nghiệp, công nghệ cao Công Hải…

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện, giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 huyện Thuận Bắc có cơ cấu kinh tế vông nghiệp - du lịch, dịch vụ- nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, huyện đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm có tính đột phá, đó là cải thiện môi trường đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực có lợi thế của huyện; tập trung các nguồn vốn ngân sách và huy động các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là về giao thông nông thôn để kết nối các xã miền núi, nông thôn với các trọng điểm kinh tế của huyện, tỉnh và vùng; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng chất lượng nguồn nhân lực; có chính sách thu hút đối với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi; chú trọng đào tạo nghề, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Nhà nước đầu tư nhiều tỉ đồng phát triển hệ thống giao thông nông thôn huyện Thuận Bắc.
Trong ảnh: Nâng cấp tuyến đường Phương Hải- Bắc Sơn hoàn thành trước Tết Nhâm Thìn- 2012.
Ảnh: Sơn Ngọc

...Và những khởi sắc

Nhờ xác định và đầu tư đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương nên chỉ sau 6 năm thành lập tình hình kinh tế-xã hội huyện Thuận Bắc đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Sự hoạt động ổn định của các nhà máy như: Xi măng Kim Đỉnh, sản xuất đá Granit;... cùng với các dự án du lịch: Ma Trai, Suối Tiên, suối Kiền Kiền, Ba Hồ…và đặc biệt là Khu Du lịch Bình Tiên đang được triển khai xây dựng với đẳng cấp quốc tế chính là những tín hiệu rõ ràng nhất về sự khởi sắc của một nền kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - du lịch như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II đã đề ra. Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ cũng có sự tăng trưởng mạnh. Năm 2011, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện ước đạt 18,084 tỷ đồng, tăng 5,7 lần so với năm 2005.

Mùa thu hoạch lúa của nông dân xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc. Ảnh: Sơn Ngọc

Bên cạnh công nghiệp, du lịch, năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp cũng không ngừng được nâng lên, đặc biệt là từ khi hồ Sông Trâu được xây dựng và đưa vào sử dụng đã nâng diện tích gieo trồng từ 6.700 ha lên 10.300 ha và từng bước áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cho nhiều cây trồng, nhất là cây lúa, nên năng suất và sản lượng tăng cao. Chỉ tính riêng trong năm 2010 đạt 26.000 tấn, tăng gấp 3,7 lần so với năm 2005; đến năm 2011 tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm trên địa bàn 10.764/9.650 ha; sản lượng lương thực ước đạt 30.301 tấn. Từ đó, lĩnh vực văn hoá- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, bộ mặt kinh tế nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 46,1%, dự tính cuối năm 2011 chỉ còn khoảng 21,57%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phát triển kinh tế gắn kết với chăm lo đời sống nhân dân

Nhắc đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2012, đồng chí Hà Anh Quang, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc cho biết: “Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền huyện Thuận Bắc tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng bộ huyện, trong đó tập trung phát triển 3 ngành kinh tế chủ lực là công nghiệp, nông nghiệp và thương mại, dịch vụ”. Theo đó, huyện tập trung đào tạo nguồn lực; kêu gọi, thu hút đầu tư trong công nghiệp; quy hoạch, đầu tư hạ tầng để phát triển thương mại – dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa nông nghiệp.

Nông dân xã Bắc Sơn phát triển chăn nuôi gia súc nâng cao đời sống nông thôn. Ảnh: Sơn Ngọc

Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, trong những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thuận Bắc cũng luôn quan tâm và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nhằm góp phần ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, hộ nghèo. Năm 2011 đã cấp 20.289 thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo và hộ thuộc chương trình 135. Mỗi dịp tết đến, xuân về, lãnh đạo huyện đều đi thăm chúc tết các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiêu biểu, gia đình chính sách, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ nhân dân đón tết vui xuân.

Đồng bào Raglai xã Lợi Hải chuẩn bị vui đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Sơn Ngọc

Với sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân, hy vọng rằng mỗi mùa xuân mới, quê hương Thuận Bắc sẽ thêm nhiều khởi sắc.