(NTO) Quả thật là rất khó để đếm cho hết số lượng của “bảo tàng” thơ này, nhưng điều rất giống nhau là ở chỗ bất luận thơ thêu trên vải, trên gấm hoặc viết trên gỗ, giấy v.v… cũng đều được cất giữ hoặc treo rất trang trọng. Nhưng có lẽ điều đáng ghi nhận ở đây không phải là số lượng hay chất lượng mà chính là ở chỗ sự phong phú về thành phần tác giả của những bài thơ trong cái “bảo tàng” độc đáo này. Đó có thể là một em bé, một cụ già, một câu lạc bộ thơ hay một việt kiều, cũng có bài là thơ khuyết danh của một tỉnh, thành…
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: S.T
Đầu tiên, xin được nói về việc dân chúng làm thơ tặng Đại tướng. Phàm là một người nổi tiếng thì chuyện được các thi sĩ làm thơ để tặng là thường tình. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cái hạnh phúc không giống với nhiều người nổi tiếng khác là ở chỗ rất nhiều bài thơ được tặng mà tác giả là những thường dân suốt đời không biết thơ phú là gì, chỉ vì không biết thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ của mình như thế nào cho thỏa mà bỗng chốc làm được thơ. Câu chuyện sau đây là một ví dụ:
Ở đường Trần Quang Diệu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh có ông Lê Mùi, sinh đúng dịp chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và lại cùng quê Quảng Bình với Đại tướng. Vợ chồng ông Mùi làm nghề nấu ăn thuê cho các đám cưới. Lòng ngưỡng mộ Đại tướng cứ vương vấn mãi trong lòng ông. Đó là lý do mà ông cho biết vì sao ông phải mất nhiều năm trời cặm cụi, vật vã với từng con chữ để làm nên bài thơ Kính dâng Đại tướng với 9 câu tâm đắc: “Đại đoàn kết nhân dân là sức mạnh/Tướng và quân lớn mạnh bởi kết đoàn/Võ học trí cao anh tài cứu quốc/Nguyên khí thịnh suy vận nước là đây/Giáp trận chiến công vang khắp toàn cầu/Kính già thương trẻ sáng ngời đạo đức/ Yêu mến, vì dân suốt đời tận tuỵ/Trường kỳ kháng chiến sử ghi huyền thoại/Thọ với non sông mãi mãi lưu danh.
Bài thơ độc đáo ở chỗ nếu ghép chữ đầu các câu lại thì sẽ được một lời chúc rất ý nghĩa: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu trường thọ”. Được vợ con ủng hộ, ông Mùi đem đặt hàng cho thợ thêu bài thơ trang trọng lên một bức gấm lớn với những chữ đầu câu thơ bằng kim tuyến. Bức gấm này treo trang trọng trong nhà ông để chờ dịp chuyển đến tặng Đại tướng.
Thiếu tướng Phan Khắc Hải (trái) đang hướng dẫn tác giả bài viết xem “bảo tàng” thơ độc đáo
của Đại tướng.
Mong ước giản đơn là vậy nhưng khi nghĩ đến chuyện gửi tặng thì ông thấy không dễ, bởi Đại tướng là người quá nổi tiếng, là vị Tổng Tư lệnh “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thì hẳn việc diện kiến sẽ không dễ dàng gì.
Chuyện ông Mùi có món quà tinh thần độc đáo này lan dần trong những anh em đồng hương Quảng Bình đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Hữu Cương, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Bình, biết được nên đã liên hệ với thư ký của Đại tướng. Được hồi âm là Đại tướng rất xúc động trước tấm lòng của ông Mùi và trân trọng được đón tiếp nên Hội đồng hương Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh đã cử đoàn để vừa giúp ông Mùi toại nguyện vừa nhân dịp thăm sức khoẻ Đại tướng nhân Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi may mắn được làm thành viên của đoàn.
Không chỉ người dân trong nước mà kiều bào ở nước ngoài cũng lưu giữ những chuyện rất cảm động về việc làm thơ tặng Đại tướng. GS-TS Trần Văn Khê kể rằng vào tháng 7-1954, ông đang dưỡng bệnh tại viện Postcure de Sceaux (Pháp) thì cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Cổn (lúc đó đang làm việc cho Bộ Giáo dục Pháp) gọi điện với một giọng vui mừng tột độ, báo tin rằng thật là vinh dự lớn cho cả dân tộc Việt Nam vì quân đội Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đại thắng tại Điện Biên Phủ, tất cả tướng lĩnh và binh sĩ Pháp đều bị bắt làm tù binh.
Tiếp đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Cổn nói rằng ông quá xúc động nên làm ngay được bài thơ ca ngợi tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vì muốn chia sẻ xúc cảm với một người bạn thân nên gọi điện ngay cho GS-TS Trần Văn Khê. Bài thơ ngắn gọn nhưng thật súc tích như sau: “Đây Đại tướng của một dòng đại tướng/Đây tài ba trên tất cả những tài ba/Đây tinh hoa nở giữa những tinh hoa/Đây anh dũng nêu một đời anh dũng”.
GS-TS Trần Văn Khê nhớ, sau này khi 2 người gặp lại, kể chuyện cũ, mới hay đêm đó sau khi bỏ điện thọai xuống rồi cả hai người bạn tha hương đều đã khóc rất nhiều vì tin mừng.
Nhớ hôm tham gia đoàn đại diện của Hội đồng hương Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh ra thăm Đại tướng nhân dịp sinh nhật lần thứ 99, tôi mới biết trong nhà Đại tướng có cả một “bảo tàng” thơ khá độc đáo, do nhân dân trong nước và thế giới kính tặng.
Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên là Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin và là người được rất nhiều đoàn phim và đài truyền hình mời làm cố vấn kịch bản truyền hình và phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trực tiếp hướng dẫn chúng tôi thăm “bảo tàng” thơ và cho biết là Đại tướng đặc biệt trân trọng những món quà vô giá này. Tất cả những bài thơ, dù là của cá nhân hay của một tập thể, đều được Đại tướng lưu giữ ở những vị trí rất trang trọng trong phòng khách và cũng là nơi làm việc của Đại tướng.
Đây là bài thơ “Thăm Đại tướng thỏa lòng mong” của Hội Cựu chiến binh VN phường Trần Lãm, Tp. Thái Bình, tặng ngày 22-4-2005: Năm chờ, tháng đợi, ngày mong/Về thăm Đại tướng thỏa lòng ước ao/Tình tướng sĩ nặng biết bao/Nghĩa “Anh cả” tựa non cao biển trời/Hiền nhân danh tiếng để đời/Cỏ cây, sông núi, lòng người khắc ghi/Nhớ câu Anh nhắc nhiều khi/“Gặp lại nhau đây là quí lắm rồi”/Chúc Anh giai lão tiên tri/Dẫn đàn em bước tiếp đi cuộc đời/Chủ nghĩa xã hội sáng ngời/Đường theo Đảng – Bác sáng ngời Anh răn/“Cựu mà không cũ” vẫn tân/Phát huy truyền thống vì dân quên mình/Giữ cho trọn nghĩa vẹn tình/Gió mưa cát bụi, gương hình vẫn trong/Thăm Đại tướng thỏa lòng mong/Hình Anh xin được giữ trong tim này”.
Cạnh đó là bài thơ “Anh Văn” của Dương Ngà (một cựu chiến binh Trung đoàn 36, Đại đoàn Quân tiên phong), tặng vào ngày 20-11-2005: “Điều quân – xuất chúng tài thao lược/Đội pháo kinh hoàng giặc đảo điên/Nậm Rốm dạt dào tin chiến thắng/Chấn động toàn cầu tiếng Điện Biên/ Danh tướng lẫy lừng toàn thế giới/“Dĩ công vi thượng” nhớ Kim Liên/Thế sự…nhân tâm, Trung-Chí-Nhẫn/ Mường Phăng như thoảng ngát hương sen”.
Còn đây là bài thơ “Tự hào biết mấy Tổ quốc ơi!” của Tổ nữ CLB Bạch Đằng (Hải Phòng), tặng vào mùa hè năm 2000: “Kính chào Đại tướng đẹp thanh cao/Lừng lẫy năm châu tự thuở nào/Gần trọn cuộc đời trong khói lửa/Cho ngày mai rực nắng xôn xao/Tự hào biết mấy Tổ quốc ơi!/Đất nước Việt Nam sản sinh người/Thêm vị tướng tài cho nhân loại/Sánh vai bầu bạn bốn phương trời/Phụ nữ Bạch Đằng kính chúc người/Mỗi năm mỗi khỏe mỗi vui tươi/Mãi là viên ngọc lưu ly hiếm/Một tấm gương ngời hậu thế soi.
Tỉnh Quảng Bình, quê hương của Đại tướng cũng có bức trướng thêu bài thơ “Mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thượng thọ”, treo ở chính diện phòng khách: “Quảng bác uyên thâm vị tướng tài/Bình sinh nợ nước nặng hai vai/Ghi sâu công trạng ngời trang sử/Ơn nghĩa nhân sinh khắc đượm hoài”.
Nếu ai có dịp vào nhà Đại tướng, đọc những bài thơ trong “bảo tàng” thơ độc đáo này hẳn sẽ nhận ra một điều là những bài thơ này có thể còn có những câu, những chữ chưa ổn lắm về mặt niêm luật, vần điệu nhưng tất cả đều xuất phát từ sự ngưỡng mộ và kính trọng đặc biệt của nhân dân với Đại tướng, bởi vậy mà đọc lên nghe thật xúc động.
Lương Duy Cường