Cách đây bốn năm, Festival Mỹ thuật trẻ lần đầu được tổ chức năm 2007 tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam 42 Yết Kiêu, Hà Nội với sự góp mặt của 54 tác giả. Festival lần này cho thấy sự trưởng thành hùng hậu về đội ngũ trẻ với sự góp mặt của 137 tác giả, độ tuổi từ 18 đến 35, trên cả nước. Khối lượng sáng tác cũng ở mức kỷ lục với tổng số gần 1.000 tác phẩm gửi về tham dự, trong đó có 155 tác phẩm được chọn trưng bày triển lãm ở các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn, vi-đê-ô art. Cùng với sự đông đảo về đội ngũ, số lượng tác phẩm tham gia, Festival còn có điểm mới ở chỗ Hội đồng nghệ thuật gồm những gương mặt được thế hệ trẻ tín nhiệm vì có sự hòa nhập với tư duy sáng tạo đương đại như Ðặng Thị Khuê, Thành Chương, Trần Hậu Yên Thế, Ðào Quốc Huy, Như Huy...
Lễ Vu Lan - tác phẩm sơn dầu của Nguyễn Trọng Minh.
Có thể nhận thấy mảng hội họa luôn là chủ lực của mỗi triển lãm. 100 tác phẩm được trưng bày thể hiện sự phong phú, đa dạng về mặt đề tài, nội dung, phản ánh trung thực đời sống hiện thực và tinh thần xã hội. Song nhìn chung, các tác phẩm hội họa vẫn chưa thể hiện được sự bứt phá về chất lượng nghệ thuật, sự tìm tòi sáng tạo về hình thức biểu hiện hầu hết chỉ dừng lại ở cái đẹp quen biết, đã định hình, chưa có tác phẩm vươn lên tầm ý tưởng, ý niệm. Các tác phẩm đoạt giải hầu hết đề cập đến những vấn đề "nóng" trong đời sống xã hội hôm nay như Công nghệ thực phẩm - sơn dầu của Lê Nguyên Mạnh, Hà Nội; Chấn thương số 2 - sơn dầu của Nguyễn Duy Mạnh, Vĩnh Phúc; Cống ngầm - sơn dầu tổng hợp của Phạm Minh Tùng, Hà Nội. Góp mặt khá khiêm tốn về số lượng nhưng khá nhiều tác phẩm đồ họa tốt góp phần tạo nên thành công cho triển lãm. Người xem bắt gặp ở đây những tác phẩm tìm tòi sáng tạo bằng ngôn ngữ mới, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đồ họa giá vẽ, đồ họa in ấn với nghệ thuật sắp đặt để biểu đạt nội dung tư tưởng của tác phẩm. Cuộc sống du học của Nguyễn Quang Vinh (Hà Nội, giải nhì) là câu chuyện xúc động về cuộc sống của một sinh viên du học. Sáng tạo độc đáo của tác phẩm là không khuôn theo hình thức đồ họa thông thường mà đưa nghệ thuật sắp đặt vào thay cho cách trưng bày truyền thống. Tác phẩm được trải dài trên một bình diện với các tình tiết được bố cục liên hoàn có tính lặp đi lặp lại, tạo không gian trường tính và thời gian quảng tính để diễn giải nỗi niềm ưu tư, cô đơn. Bên cạnh sáng tạo về hình thức còn thể hiện nghệ thuật đồ họa tinh tế, giàu cảm xúc bởi cách xây dựng hình tượng nghệ thuật đơn giản nhưng độc đáo, hiệu quả. Riêng mảng điêu khắc trong Festival chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ về quy mô cũng như ngôn ngữ thể hiện. Những tác phẩm được đánh giá cao về ý tưởng nhưng phong cách và chất liệu dường như vẫn chưa thoát ra khỏi cái bóng thành công của các tác phẩm triển lãm toàn quốc, không gây được sự đột biến, bứt phá.
Năm 2007, thời điểm diễn ra Festival mỹ thuật trẻ lần thứ nhất, nghệ thuật đương đại (sắp đặt, trình diễn, vi-đê-ô art) còn khá mới mẻ ở Việt Nam và được nhìn nhận theo tinh thần tiếp nhận nghệ thuật đương đại như đón nhận một nhành cây mới mọc và hy vọng nó sẽ ra hoa kết trái. Bốn năm qua, các loại hình này đã có nhiều hoạt động với quy mô khác nhau. Những dự án của cá nhân, nhóm nghệ sĩ, được tổ chức ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế... đã tạo được những hiệu quả nhất định, làm phong phú đời sống nghệ thuật. Festival lần này ghi nhận sự phát triển, định hình với những thành công nhiều hứa hẹn. Nghệ thuật sắp đặt được xem là một bước tiến mới với những tác phẩm ngôn ngữ thể hiện mới lạ, khúc triết vươn tới tầm ý niệm. Nội dung tác phẩm phản ánh sinh động đời sống xã hội đương đại toàn diện, cả mặt tích cực và tiêu cực. Hai tác phẩm trình diễn được ra mắt trong ngày khai mạc, trong đó tác phẩm Cảm nhận của Nguyễn Văn Hè (Huế) đoạt giải ba đã đem lại cho công chúng ấn tượng bởi tính chuyên nghiệp của tác giả, tạo được sự tương tác giữa công chúng và người sáng tạo. Ðặc biệt, vị trí xứng đáng của thể loại vi-đê-ô art được xác lập với các tác phẩm khá đa dạng về hình thức biểu đạt; sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm thanh, ánh sáng, hình ảnh đã tạo nên một hiệu ứng thẩm mỹ cao. Nội dung ẩn dụ hàm súc, phản ánh chân thực cuộc sống đương đại. Tác phẩm Trái đất xanh của tác giả Lê Trần Hậu Anh đoạt giải nhất là sự khẳng định thể nghiệm thành công của tuổi trẻ ở thể loại này. Tác phẩm đề cập vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của nó đến môi trường, một đề tài nóng được cả nhân loại quan tâm, bằng cách tạo ra sự tương phản, đối lập về một trái đất xanh, tươi đẹp đang bị hủy hoại dần bởi chất thải công nghiệp, khí thải giao thông. Từ đó đưa ra thông điệp: Hãy giữ gìn và bảo vệ Trái đất, hãy cư xử có trách nhiệm với môi trường mình đang sống, hãy là "những ngôi sao sáng trên bầu trời xanh". Nghệ thuật trong Trái đất xanh thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Vốn là một tác phẩm vi-đê-ô nhưng Trái đất xanh được trình bày theo nghệ thuật sắp đặt khá hoàn chỉnh, làm nên tính tương tác cao giữa tác phẩm và người xem. Việc tạo ra hiệu ứng không gian 3D trên nền tảng không gian 2D là điểm mới so với các tác phẩm vi-đê-ô art ở Việt Nam.
Sự hưởng ứng nhiệt thành của các tác giả trẻ, sự đa dạng về ngôn ngữ thể hiện và loại hình nghệ thuật đương đại chính là tín hiệu đáng mừng của Festival Mỹ thuật trẻ 2011. Theo đánh giá của hội đồng nghệ thuật, triển lãm đã phản ánh đúng năng lực sáng tạo của một thế hệ đang lên với cách biểu đạt mới, đầy tự tin đưa đời sống sôi động của xã hội vào nghệ thuật với phương pháp tiếp cận rành mạch, khúc triết. Tuy nhiên, một số tác phẩm còn bộc lộ sự non kém về nghề nghiệp, yếu tố ảnh hưởng ngoại lai hoặc sao chép sống sượng. Tiêu biểu là trường hợp họa sĩ Ðỗ Trung Kiên (Hà Nội) xâm hại bản quyền, sao chép tác phẩm của họa sĩ Ðỗ Quang Hải (Hà Nội) trong tác phẩm Chờ xử lý. Hội đồng nghệ thuật đã yêu cầu Ban tổ chức dỡ bỏ tác phẩm này và có biện pháp xử lý.
Festival Mỹ thuật trẻ 2011 khép lại trong những dư âm nhiều hy vọng về tương lai mỹ thuật nước nhà. Ðây thật sự là một sân chơi hữu ích khi ở đó nghệ sĩ trẻ cả nước được gặp gỡ, nhìn nhận, học hỏi lẫn nhau. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng ban tổ chức cho biết: "Thay bằng thời hạn bốn năm một lần, sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rút ngắn xuống ba năm một lần để Festival trở thành một hoạt động nghệ thuật định kỳ cho các tác giả trẻ có điều kiện tăng cường giao lưu, sáng tạo. Bên cạnh đó, sẽ thường xuyên phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức các triển lãm chuyên đề, các hoạt động hỗ trợ sáng tác, trưng bày... của CLB họa sĩ trẻ trong cả nước để thúc đẩy sự phát triển mỹ thuật trẻ nước nhà".
Nguồn Báo Nhân Dân