Hội nghị APEC ra thông cáo chung tăng cường vai trò của phụ nữ

Trong khuôn khổ hội nghị hàng năm lần thứ 23 của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái bình dương (APEC) diễn ra trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 13-9, ở thành phố Xan Phranxixcô (San Francisco), bang Caliphonia (California-Mỹ), các bộ trưởng và đại diện của 21 nền kinh tế APEC ngày 16-9 đã ra thông cáo chung về tăng cường và phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong các nền kinh tế thành viên của APEC.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ trích dẫn nội dung văn bản thông cáo chung nhấn mạnh tinh thần của hội nghị APEC tháng 11/2010 tại Yôcôhama (Yokohama), Nhật Bản, tại đó các nhà lãnh đạo APEC nhìn nhận rõ tiềm năng dồi dào của phụ nữ có thể đóng góp vào nền kinh tế châu Á-Thái bình dương và khẳng định bình đẳng giới có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong cộng đồng 21 nền kinh tế khu vực nói chung và ở từng nước thành viên APEC nói riêng. Với chủ đề "Đối thoại chính sách cấp cao năm 2011 về phụ nữ và kinh tế" (2011 High Level Policy Dialogue on Women and the Economy), thông cáo chung nhấn mạnh 4 lĩnh vực chủ chốt phụ nữ có thể tham gia và đóng góp tích cực vào các nền kinh tế, bao gồm quyền tiếp cận các nguồn vốn quyền tiếp cận các thị trường xây dựng năng lực và tay nghề và tham gia vai trò lãnh đạo.

Thông cáo chung kiến nghị xem xét toàn diện để có những điều chỉnh về mặt pháp lý, luật lệ và các thủ tục của ngân hàng nhằm tạo thuận cho phụ nữ quyền tiếp cận bình đẳng các ngồn vốn và dịch vụ tài chính, trong đó ưu tiên cho những phụ nữ là các chủ đầu tư và chủ doanh nghiệp. Xóa bỏ các rào cản và có các sáng kiến hỗ trợ về kỹ thuật để giúp các nữ chủ đầu tư và chủ doanh nghiệp, nhất là ở các vùng nông thôn, tiếp cận đầy đủ các cơ hội thị trường cả trong và ngoài nước, đồng thời thiết lập mạng lưới thông tin và hội đoàn để giúp chị em tiếp cận các kênh làm ăn và mạng lưới phân phối. Xây dựng năng lực và tay nghề là cách hiệu quả để giúp chị em tự nâng cao trình độ và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Muốn vậy cần phải tạo mọi điều kiện để chị em tham gia các chương trình giáo dục và đào tạo ở mọi cấp. Thông cáo thừa nhận hiện nay phụ nữ vẫn có ít đại diện nắm giữ các cương vị lãnh đạo cả trong lĩnh vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước, do vậy các chính phủ cần phải có các biện pháp để tạo điều kiện và khuyến khích các thế hệ phụ nữ tương lai tham gia ngày càng sâu rộng vào các cương vị quản lý và lãnh đạo. Hội nghị cấp bộ trưởng APEC hàng năm lần thứ 23 quy tụ khoảng 3.000 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên, cả khu vực nhà nước và tư nhân.

Trong hai tuần hội nghị đã có hơn 150 cuộc họp và hội thảo. Các chủ đề lớn của hội nghị năm nay là bàn về vấn đề giao thông, năng lượng, y tế, môi trường, công nghệ và tăng cường vai trò của phụ nữ. Phát biểu với tư cách là chủ tọa hội nghị, Ngoại trưởng nước chủ nhà Hilari Clintơn (Hillary Clinton) khẳng định 21 nền kinh tế APEC là các nền kinh tế năng động nhất thế giới, chiếm 55% GDP toàn cầu và phụ nữ chiếm tới hơn 60% lực lượng lao động của APEC. Tuy nhiên, theo bà Hilari, hiện còn vẫn còn nhiều rào cản về cơ cấu, xã hội, thậm chí cả tập quán, làm hạn chế sự đóng góp của lực lượng lao động nữ, do vậy muốn cải thiện được năng suất lao động của kinh tế toàn cầu thì việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho phụ nữ là hết sức cần thiết. Theo chương trình, các cuộc họp liên quan của hội nghị APEC lần thứ 23 tại Xan Phranxixcô sẽ còn tiếp tục đến ngày 26-9. Tất cả các khuyến nghị của hội nghị cấp bộ trưởng lần này tại Xan Phranxixcô sẽ được đệ trình lên Hội nghị thượng đỉnh APEC, dự kiến diễn ra trong hai ngày 12-13/11/2011 tới tại Haoai (Hawaii), Mỹ.