Đây có thể là một yếu tố quan trọng giúp Liên minh châu Âu (EU) đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và củng cố khả năng cạnh tranh toàn cầu của mình.
Báo cáo nhấn mạnh các công nghệ như máy bơm nhiệt, tấm pin mặt trời, pin xe điện và tua bin gió là các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt từ các quốc gia này. Nếu các quốc gia CEE duy trì được thị phần hiện tại, sự tăng trưởng xuất khẩu này có thể củng cố đáng kể nền kinh tế EU, giúp khối này giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) đang diễn ra.
Hơn nữa, gia tăng xuất khẩu công nghệ sạch cũng có thể thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường sự ổn định ở khu vực CEE, nơi đang trải qua tình trạng giá tiêu dùng cao và nhiều khó khăn kinh tế khác.
Lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại châu Âu.
Tuy nhiên, khả năng các nước tăng xuất khẩu các mặt hàng này gấp ba lần trong các năm tới sẽ phụ thuộc vào việc triển khai thành công Đạo luật Công nghiệp Không phát thải ròng (NZIA) của EU.
NZIA đặt mục tiêu sản xuất nội khối của EU đáp ứng khoảng 40% nhu cầu công nghệ sạch của khu vực vào cuối thập kỷ này, cũng như 15% nhu cầu năng lượng sạch toàn cầu vào năm 2040.
Để hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu, EU cần một chiến lược phối hợp giữa các quốc gia thành viên để tránh cạnh tranh nội bộ và kích thích đầu tư của khu vực tư nhân. Hơn nữa, EU cũng cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nhân tài chất lượng cao và chuỗi cung ứng vững chắc. Báo cáo cũng đề cập đến bức tranh kinh tế rộng lớn hơn của EU. Mặc dù lãi suất tăng mạnh, kinh tế EU dường như đang trên đà đạt được kịch bản "hạ cánh mềm" vào năm 2024 với lạm phát giảm dần về ngưỡng mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về tác động đầy đủ của xu hướng chính sách tiền tệ gần đây cũng như những căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự khác biệt trong tốc độ phục hồi kinh tế giữa các quốc gia thành viên EU cũng có thể cản trở cơ hội “hạ cánh mềm” của kinh tế EU trong năm nay.
Theo TTXVN