Châu Âu vẫn tiếp tục ngập trong vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nợ công, bất chấp nhiều biện pháp và các gói viện trợ được đưa ra. Các chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng đang dần đạt đỉnh và Liên minh tiền tệ châu Âu (EMU) đang phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ. EU mới đây cũng phải hạ dự báo tăng trưởng trong nửa cuối năm 2011.
Châu Âu "bơi" trong khủng hoảng suốt thời gian dài khiến lãnh đạo các nền kinh tế
trên thế giới không khỏi đau đầu. Ảnh: Guardian
Sau khi chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick cảnh báo kinh tế thế giới đang rơi vào nguy hiểm, tuần này Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cũng yêu cầu khối G7 họp mặt để cùng tìm hướng giải quyết. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama nói thẳng châu Âu chính là nguyên nhân gây ra khủng hoảng nợ trên toàn cầu. Mỹ không thể ngồi yên "ngắm" châu Âu giải quyết nợ khi phái Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner tới Ba Lan để tham dự cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính châu Âu.
Đáp lại những lo lắng của thế giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố châu Âu đang cố gắng hết sức để cứu vãn tình hình, đồng thời khẳng định đẩy Hy Lạp ra khỏi EU là sai lầm. Chủ tịch luân phiên EU đương nhiệm liên tục thúc Hy Lạp tìm nguồn hỗ trợ tài chính. Từ phía cuộc họp các Bộ trưởng, những lời cảnh báo và đề nghị của ông Geithner tại cuộc họp đã bị bỏ qua bởi châu Âu muốn làm theo cách của họ và không muốn người ngoài khu vực dính vào.
Ngày 13/9, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc khai mạc khóa họp thứ 66 tại New York (Mỹ) đưa ra lời kêu gọi các nước trên thế giới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng giải quyết vấn đề trước khi viễn cảnh về một cuộc suy thoái như năm 2008 trở thành hiện thực.
Giá dầu thô thế giới chứng kiến ít phiên tăng, chủ yếu giảm trong suốt cả tuần. Trong phiên giao dịch ngày thứ 6 tại thị trường New York, giá dầu hợp đồng giao tháng 10 mất 1,44 USD, chốt tại 87,96 USD một thùng. So với đầu năm, giá hiện tại đã tụt 3,7%.
Tiếp đà giảm của dầu thô, tỷ giá giữa đồng euro của châu Âu với đôla Mỹ cũng đã giảm. Lúc 3h01 chiều thứ 6 theo giờ New York, một euro đổi được 1,379 USD, giảm 87 cent so với giá 1,3877 USD ngày hôm qua. Trước đó không lâu, tỷ giá euro - USD cũng đã mất 0,9%.
Đồng euro của châu Âu đang có dấu hiệu mất giá trước đồng đôla của Mỹ.
Ảnh: livetradingnews.com
Trong một diễn biến khác, Diễn đàn kinh tế thế giới Davos lần thứ 5 đã diễn ra tại Trung Quốc hôm 14/9 vừa rồi với sự tham gia của các đại biểu từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đã bày tỏ hy vọng Trung Quốc với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ hỗ trợ các nước châu Âu thông qua việc mua trái phiếu để giúp họ và cả khu vực sớm bước qua giai đoạn khủng hoảng.
Tâm điểm chú ý của thế giới trong vấn đề kinh tế tài chính lại một lần nữa hướng vào châu Âu khi cuối tuần này, ngân hàng UBS Thụy Sĩ phát hiện ra vụ gian lận thương mại gây thâm hụt 2 tỷ USD cho tập đoàn này. Giám đốc quản lý quỹ giao thương của UBS là Kweku Adoboli đã bị bắt vì cáo buộc là thủ phạm gây ra vụ việc trên. Hậu quả, cả 3 hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới là Moody's, Fitch và Standard & Poor's đều cảnh báo đánh trượt điểm tín nhiệm A+ của UBS. Các nhân viên của ngân hàng có nguy cơ mất trắng lương thưởng trong năm 2011.
Nguồn VnExpress.net