Các mô hình Dự án 8: Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số

Triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả các mô hình như: Tổ truyền thông cộng đồng, Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy”...

Qua đó thu hút được đông đảo hội viên phụ nữ tham gia; tạo được sự quan tâm của cộng đồng, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành động về bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ định kiến giới, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Hơn một năm qua, đều đặn mỗi tháng, các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) lại tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền các chủ đề, chủ điểm liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác bình đẳng giới đến bà con trong thôn. Ông Cao Văn Giác, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn cho biết: Thôn có 92 hộ, với 362 nhân khẩu, 100% dân số là người đồng bào Raglai. Từ khi thành lập tổ truyền thông cộng đồng, các thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc đảm bảo tiếng nói, quyền của phụ nữ và trẻ em; cung cấp những kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; lên án và bài trừ các hủ tục. Đến nay, tổ đã góp phần “cởi trói” được tư tưởng thụ động, cam chịu của phụ nữ và trẻ em đối với hủ tục lạc hậu, định kiến giới; trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường; phụ nữ cũng ngày càng tự tin thể hiện bản thân, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình không còn xảy ra.

Tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy huyện Bác Ái tham gia Hội thi tìm kiếm sáng kiến, giải pháp, mô hình truyền thông hiệu quả thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” năm 2024.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì được 77 tổ truyền thông cộng đồng. Để phát huy hiệu quả hoạt động, các thành viên tổ đã được các cấp hội tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về kỹ năng, kiến thức, tài liệu để vận động người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là mô hình dành riêng cho đối tượng học sinh đồng bào DTTS. Là trường điểm được Hội LHPN tỉnh chọn triển khai CLB, sau hơn một năm đi vào hoạt động, Ban giám hiệu nhà trường, đội ngũ giáo viên Trường THCS-THPT Bác Ái tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thành viên CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng. Tham gia CLB, các em được trao đổi, cung cấp những những kiến thức về: Quyền trẻ em; phòng, chống xâm hại tình dục; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, tránh bạo lực học đường; kỹ năng giao tiếp ứng xử trong đời sống... Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, dẫn trình viên CLB nhà trường cho biết: CLB gồm 30 thành viên gồm học sinh nam và nữ DTTS. Sau thời gian ngắn hoạt động, các thành viên CLB đã tiến bộ rất nhiều, các em hiểu biết thêm những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em; mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp, chủ động tham gia vào các hoạt động của nhà trường; phát huy được vai trò nòng cốt tuyên truyền, dẫn dắt và thúc đẩy học sinh trong trường học lên tiếng về quyền được sống an toàn, được bảo vệ tránh khỏi các hành vi bạo lực, xâm hại, tảo hôn... Đây thực sự là sân chơi bổ ích để các em cùng nhau giao lưu, chia sẻ, nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi.

Đối với mô hình “Địa chỉ tin cậy”, Hội LHPN tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo duy trì và củng cố mô hình tại các thôn vùng đồng bào DTTS. Trong đó, Ban quản lý “Địa chỉ tin cậy” trung bình khoảng 10 người có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, công an, hội phụ nữ, y tế, hội nông dân, người có uy tín trong cộng đồng. Mô hình đã phát huy vai trò trong hỗ trợ giảm thiểu các hậu quả do bạo lực gia đình gây ra. Đồng thời, các thành viên tham gia mô hình còn triển khai các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và giữ gìn hôn nhân hạnh phúc.

Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã phát huy vai trò chủ động, tích cực thực hiện và đạt những kết quả bước đầu trong xây dựng và duy trì mô hình. Điểm sáng là các cấp hội và thành viên của các tổ, CLB, “Địa chỉ tin cậy” đã linh động đổi mới và đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền; tổ chức các hội thi, liên hoan tìm kiếm các mô hình sáng tạo, giải pháp hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình... tạo được hiệu ứng lan tỏa, hưởng ứng từ đông đảo hội viên phụ nữ và cộng đồng xã hội. Trong thời gian đến, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp để tăng cường hiệu quả, chất lượng các mô hình; tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho thành viên, cán bộ quản lý, vận hành các mô hình... góp phần phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong kế hoạch giai đoạn 2021-2025.