Chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng nâng cao

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, Dự án 7 “Nâng cao chất lượng dân số (DS) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, xóa bỏ những quan niệm lạc hậu, từng bước nâng cao chất lượng DS.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của tuyên truyền trong việc thay đổi nhận thức và hành vi, 28 xã thực hiện Dự án 7 đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt. Tại nhiều thôn, xã, các cấp ủy đảng và chính quyền đưa chính sách DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) vào hương ước, quy ước gắn với tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa. Vai trò của trưởng thôn, những người có uy tín được phát huy trong việc vận động, kêu gọi bà con tham gia các buổi sinh hoạt tuyên truyền. Đa số người đồng bào DTTS không có điều kiện tiếp cận thông tin, việc tuyên truyền trực tiếp có thể giải đáp thắc mắc của người dân, mang lại hiệu quả truyền thông cao. Hơn 10 năm phụ trách DS xã Phước Hà (Thuận Nam), chị Bá Thị Thái Hương thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Chị Hương chia sẻ: Với đặc thù canh tác nương rẫy, chị em trong thôn không mấy khi ở nhà, nên tôi tranh thủ tuyên truyền vận động thực hiện công tác DS mọi lúc mọi nơi giúp cho các bà mẹ mang thai hiểu rõ lợi ích của việc khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn cho chị em về cách chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) KHHGĐ, vận động sinh ít con để tập trung làm ăn phát triển kinh tế, vì tương lai cho con cái trong gia đình... Nhờ vậy, nhận thức của người dân về KHHGĐ ngày càng được nâng lên; từng bước đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống...

Cán bộ phụ trách dân số xã Phước Hà (Thuận Nam) đến nhà tuyên truyền, vận động người dân.

Phát huy nguồn lực của Dự án 7, Trung tâm Y tế huyện Bác Ái tập trung tuyên truyền, vận động sinh ít con ở vùng có mức sinh cao; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ, từng bước giúp nhân dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi DS. Riêng trong năm 2024, Trung tâm Y tế huyện Bác Ái cũng tổ chức tư vấn cho 1.590 hộ gia đình về lợi ích của tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh cho phụ nữ mang thai, các cặp vợ chồng mới kết hôn. Triển khai 9 buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp kiến thức về lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cho vị thành niên, thanh niên. Đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung hoạt động của dự án cung cấp các kiến thức chăm sóc SKSS, KHHGĐ, kiến thức làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh... trên hệ thống loa phát thanh của địa phương.

Hướng đến nâng cao chất lượng

Từ những kiến thức được cập nhật, chị Tà Yên Thị Thi ở thôn Tân Hà, xã Phước Hà (Thuận Nam) hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm sóc SKSS và thực hiện KHHGĐ nên mặc dù sinh con một bề nhưng hai vợ chồng chị đồng thuận không sinh thêm con để có điều kiện tập trung chăm sóc con cái, phát triển kinh tế gia đình. Chị Thi chia sẻ: Ban đầu, tôi còn e ngại khi nói về các vấn đề liên quan đến SKSS, nhưng qua các buổi tuyên truyền, sinh hoạt câu lạc bộ, tôi nắm bắt và hiểu rõ hơn về các biện pháp tránh thai an toàn, chăm sóc SKSS nên đã chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ, xây dựng gia đình ngày càng tiến bộ, hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Không riêng gì chị Thi mà thông qua Dự án 7, hầu hết người dân vùng đồng bào DTTS đều có nhiều chuyển biến về nhận thức, bà con chủ động tìm hiểu các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và thế hệ tương lai.

Anh Cù Đăng Hiếu, phụ trách Phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Bác Ái cho biết: Thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền, người dân dần thay đổi nhận thức từ “bao cấp, miễn phí” các dịch vụ DS và KHHGĐ sang “mua, bán”, phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của người dân. Ý thức của người dân về thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS và phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm sóc SKSS, chăm sóc người cao tuổi... được nâng lên rõ rệt. Trong năm 2024, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 55,12%, tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn 17,01%...

Tại các huyện triển khai Dự án 7, những năm gần đây, số cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp KHHGĐ luôn tăng hằng năm; quy mô gia đình có hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS đang từng bước được nâng lên. Các vấn đề về chất lượng DS cả thể chất lẫn tinh thần đang từng bước được cải thiện. Đồng chí Lê Bảo Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Các hoạt động của Dự án 7 đem lại hiệu quả tích cực, người dân được cung cấp các thông tin về thực hiện tư vấn, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc SKSS, KHHGĐ; giúp vị thành niên, thanh niên trang bị các kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi được quan tâm, chăm sóc. Thông qua dự án, những người có uy tín phát huy vai trò cùng tham gia vận động, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Trong năm 2024, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh: 47,8% (vượt 13,8%); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 75%; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế đạt 99%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm đạt 23,1%. Tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cao...