(NTO) Đây là dự án Khoa học công nghệ cấp tỉnh, được lồng ghép triển khai giữa 3 mô hình: thâm canh lúa nước, trồng cây phân tán và nuôi ong lấy mật.
Mô hình trình diễn trồng lúa nước ở hai thôn Đá Hang và Cầu Gãy.
Đối với mô hình thâm canh lúa nước, trong quá trình khảo sát thực tế, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và các khuyến nông viên cơ sở, dự án đã chọn 0,5 ha ruộng của 4 hộ để chuyển giao mô hình thâm canh giống lúa nước cho bà con. Đây là những hộ có ruộng gần nhau, có điều kiện tham gia thực hiện mô hình và đã được chính quyền xã chấp nhận.
Để giúp bà con tiếp cận kỹ thuật mới, trong quá trình thực hiện cán bộ kỹ thuật của Phân hiệu Đại học Nông Lâm đã trực tiếp cùng bà con nông dân ra tại đồng ruộng để chỉ dẫn kỹ thuật sản xuất từ khâu ngâm ủ giống, đến cách gieo sạ cho đều tay để khỏi tốn công dặm; cách sử dụng phân bón, phương pháp phòng, trừ sâu bệnh một cách chi tiết, cụ thể. Với các làm trên đã giúp cho bà con giảm được rất nhiều chi phí về giống, phân bón, công lao động. Sau 3 tháng xuống giống, đến nay toàn bộ diện tích nói trên đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 4,5 tạ - 5 tạ/sào, tăng từ 1,5 – 2 tạ/sào so với những hộ thực hiện tập quán canh tác cũ.
Cùng với hiệu quả mô hình thâm canh lúa nước, hiện hai thôn Đá Hang và Cầu Gãy có gần 100 hộ dân tham gia mô hình trồng cây phân tán, với gần 600 cây dừa các loại. Riêng mô hình nuôi ong lấy mật, từ cuối tháng 6-2011, dự án đã chọn 15 hộ (gồm 9 hộ của thôn Cầu Gãy và 6 hộ của thôn Đá Hang) để đưa đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bến Tre. Sau một tháng học tập kinh nghiệm trở về, dự án đã hỗ trợ cho mỗi hộ 5 thùng nuôi và giống ong để bà con thực hiện mô hình. Với sự cố gắng của các hộ tham gia, hiện mô hình nuôi ong lấy mật đang phát triển khá tốt. Dự kiến trong thời gian tới dự án sẽ nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật cho tất cả các hộ dân còn lại.
PGS.TS Phạm Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Phân hiệu Đại học Nông Lâm Ninh Thuận, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, những hộ đã tham gia mô hình phần nào hiểu được và đã áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào trong sản xuất như: sử dụng giống tốt để gieo, biết xịt thuốc cỏ và bón phân cho lúa... Đây là bước thành công ban đầu trong việc hướng cho bà con chuyển dần từ tập quán canh tác cũ sang hướng canh tác mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Văn Thanh