(NTO) Chăn nuôi gia súc có sừng được cấp ủy và chính quyền địa phương xác định là thế mạnh kinh tế của Nhị Hà. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Nhị Hà nhiệm kỳ 2011- 2015 xác định: vận động nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và đầu tư chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng tập trung, bán công nghiệp. Cùng với trồng trọt, nguồn lợi từ chăn nuôi gia súc nâng cao đời sống nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đàn cừu của nông dân xã Nhị Hà chăn thả tập trung trên đồng Nha Á.
Ấn tượng của chúng tôi khi trở lại Nhị Hà là bộ mặt nông thôn đang trên đà khởi sắc. Hệ thống điện đường trường trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng hiện đại. Nhà ở của nhân dân khang trang mang dáng dấp thị tứ vùng trung du. Tuy mới hơn 30 năm khai hoang mở đất nhưng đời sống của cư dân Nhị Hà tiến kịp các xã đồng bằng huyện Thuận Nam. Chính sách đầu tư hỗ trợ theo chương trình 135 của Chính phủ cho vùng đặc biệt khó khăn kết hợp tinh thần nỗ lực làm ăn vươn lên thoát nghèo của nhân dân xã Nhị Hà đã khẳng định bước đi xây dựng nông thôn mới vững chắc. Phát huy nguồn lực tưới của các công trình thủy lợi, nông dân đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác và chăn nuôi gia súc đạt hiệu quả kinh tế cao tạo nên nhịp sống mới khởi sắc.
Trao đổi với đồng chí Lê Văn Thông, Bí thư Đảng ủy xã Nhị Hà, chúng tôi được biết nông dân địa phương được hưởng lợi từ 3 công trình thủy lợi trọng điểm do Nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Thuận Nam là CK 7, Tân Giang, Sông Biêu. Đất đai chủ động tưới giúp nông dân canh tác diện tích đất nông nghiệp 1.400 ha hai vụ bảo đảm ăn chắc. Nhị Hà hiện có 1065 hộ với trên 4.100 nhân khẩu sinh sống tại ba địa bàn khu dân cư. Nông dân bám đất đai canh tác nhiều loại cây trồng và kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng. Nhị Hà có khoảng 30% số hộ chăn nuôi 1.100 con bò và 1.250 con dê cừu. Các nông hộ tiêu biểu trong nghề chăn nuôi gia súc ở Nhị Hà là Phạm Minh Quang, Dương Đình Thế, Tôn Quang Lai... So với thời “hoàng kim” của ngành nuôi vào những năm 2004- 2005 tuy số lượng giảm nhưng các nông hộ đã tập trung chăn nuôi theo hướng tập trung, bán công nghiệp. Chính quyền xã Nhị Hà phối hợp với các ngành chức năng huyện Thuận Nam mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc. Nghề chăn nuôi đem lại lợi nhuận ổn định góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn xã theo chuẩn mới hiện nay còn 164 hộ, chiếm 15,4%. Nhờ nguồn lợi chăn nuôi gia súc đã giúp cho nhiều nông hộ xây dựng nhà ở mới, mua sắm phương tiện sinh hoạt gia đình, nuôi con ăn học thành đạt.
Anh Phạm Minh Quang sử dụng máy chế biến thức ăn gia súc.
Đến đồng đất Nha Á thuộc địa bàn thôn Nhị Hà 3, chúng tôi tìm gặp anh Phạm Minh Quang. Anh Quang 50 tuổi, là một trong những người chăn nuôi gia súc với số lượng bầy đàn nhiều nhất xã Nhị Hà. Nhờ công trình hồ Sông Biêu, anh san ủi chuyển đổi 2 ha đất màu sang canh tác ruộng lúa. Còn lại 8 ha xây dựng chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi 450 con cừu và 100 con bò. Anh Quang mong muốn được thuê 30 ha đất tại địa phương để trồng cỏ chăn nuôi cừu sạch theo mô hình khép kín. Anh Quang mong muốn thành lập HTX chăn nuôi cừu sạch mang thương hiệu Nhị Hà. Hiện nay có 7 thành viên đồng thuận góp vốn xây dựng HTX chăn nuôi với tổng đàn khoảng 1.000 con cừu. HTX chăn nuôi cừu thịt và cung cấp con giống bảo đảm chất lượng và an toàn dịch bệnh.
Cấp ủy và chính quyền xã Nhị Hà ủng hộ việc xúc tiến thành lập HTX chăn nuôi của anh Phạm Minh Quang. HTX chăn nuôi thành lập hoạt động hiệu quả sẽ tạo dộng lực cho ngành chăn nuôi gia súc địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Lãnh đạo địa phương tiến hành quy hoạch đồng cỏ, liên hệ với ngành nông nghiệp giúp nông dân cải tạo giống bò và giống dê cừu chuyên thịt. Đất đai canh tác rộng chủ động tưới giúp nông dân xã Nhị Hà đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng tập trung, bán công nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Sơn Ngọc