Nâng cao thu nhập cho nông dân!

Toàn tỉnh có 47 xã với phần đông là nông dân sinh sống, trong đó có 46 xã thuộc địa bàn 6 huyện và 1 xã thuộc địa bàn Tp. Phan Rang –Tháp Chàm. Chỉ tính riêng về dân số, các xã nói trên đã chiếm đến trên 64% số dân toàn tỉnh.

(NTO) Cân phân mà nói, qua gần 25 năm đổi mới, cùng với cả nước đời sống của bà con nông dân trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Đây là kết quả từ việc đầu tư bằng nhiều Chương trình, dự án của Nhà nước cộng với tập quán sản xuất được chuyển đổi theo chiều hướng tích cực theo hướng đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đáp ứng một phần nguyên liệu cho một số cơ sở chế biến nông sản trong tỉnh… Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề nổi lên ở nông thôn nói chung hiện nay đó là, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Theo khảo sát mới đây cho thấy, sản xuất chủ yếu của nông thôn, các xã ven biển, đồng bằng, và miền núi vẫn là trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp, đánh bắt thủy sản tự nhiên. Nhìn chung trồng trọt là chính, chăn nuôi là phụ, trồng trọt một năm từ 1 đến 3 vụ lúa, bắp, các cây ngắn ngày khác và cơ bản chỉ mới đáp ứng nhu cầu lương thực. Ngoài ra, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng đã có chiều hướng phát triển, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân. Nhưng nhìn chung do đất đai sản xuất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp, năng suất cây trồng, năng suất nuôi trồng thủy sản cũng đã “đội trần”; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và diêm nghiệp tuy có xu hướng chuyển từ thủ công, nhỏ lẻ sang tập trung và có đầu tư nhưng nhìn chung chưa nhiều, chưa tạo thành nguồn hàng hoá lớn… Mặt khác, vấn đề cũng cần đặt ra là trong khi đồng bằng và miền núi vốn có nhiều tiềm năng về lao động và nguyên nhiên liệu cho sản xuất và chế biến nhưng lại chưa được khai thác đúng mức!. Việc huy động vốn để đầu tư cho sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Theo nhiều nông hộ cho biết, việc đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi đòi hỏi phải đầu tư lớn, thì lại thiếu vốn. Đó là chưa kể đến công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được chú trọng cho nên chất lượng hàng hoá sản phẩm không cao, không đảm bảo theo yêu cầu của thị trường, không được giá. Ngoài ra, việc mở rộng ngành nghề, tạo việc làm cho nông thôn, miền núi chưa nhiều, làng nghề và làng có nghề chưa phát triển , lao động nông thôn chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn. Không những vậy, một bộ phân thanh niên nông thôn đang có “trào lưu” thoát ly lao động nhất là lao động nông nghiệp, lao động trực tiếp… Các yếu tố nêu trên đã góp phần không nhỏ làm cho phần đông nông dân thu nhập chưa cao. Theo số liệu của Cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người (khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản) năm 2010 chỉ đạt gần 3,24 triệu đồng/người/năm, quá thấp so với mức thu nhập bình quân chung toàn tỉnh!.

Làm thế nào để nâng cao mức thu nhập cho nông dân?. Đây quả là bài toán khó nhưng không phải không có lời giải. Theo các nhà chuyên môn, vấn đề đầu tiên cần làm là đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ lực cho phù hợp với lợi thế của từng vùng, mở rộng quy mô sản xuất một số cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư bằng việc áp dụng công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học, giống, cơ giới hóa, thủy lợi hóa, giống, công nghệ sản xuất sạch, công nghệ chế biến nông sản, những tiến bộ kỹ thuật canh tác... nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh. Thứ hai, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, có hiệu quả để tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Hướng dẫn nông dân lựa chọn mô hình, phương án sản xuất có hiệu quả, cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Thực hiện có hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…

Chung quy lại, nếu “công thức”: Tài nguyên+Khoa học - công nghệ + Trí tuệ = Làm giàu được áp dụng tốt thì chắc chắn thu nhập nông dân sẽ được cải thiện.