Triển khai Nghị quyết số 20, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng các ngành, các cấp đã tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Công tác học tập, tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết và các chủ trương về xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NL, NLTT được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc; nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NL, NLTT của cả nước nước được nâng lên; khâu đột phá về phát triển NL, NLTT, nhất là công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dựng và đưa vào vận các dự án NL, NLTT thực hiện đạt kết quả tích cực; đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất tích lũy 3.749MW (gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện), đạt 57,7% chỉ tiêu nghị quyết, tạo ra sản lượng điện trên 7,6 tỷ kWh, tăng 65,2% so với năm 2020 và chiếm trên 4,2% tổng công suất các nguồn NL của cả nước; đóng góp 22,76% vào GRDP và 23,69% tổng thu ngân sách tỉnh. Hạ tầng truyền tải được đầu tư tương đối đồng bộ, kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực và quốc gia, phù hợp với Quy hoạch điện VIII và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Đã thu hút đầu tư, xây dựng, đưa vào vận hành nhiều công trình truyền tải như: Trạm 500kV và đường dây đấu nối 500kV và 220kV Thuận Nam (lần đầu tiên do nguồn lực xã hội đầu tư); trạm 220kV Ninh Phước và đường dây 220kV đấu nối; đường dây 220kV mạch kép trạm 220kV Ninh Phước đấu nối trạm 500kV Thuận Nam; nâng cấp máy biến áp các trạm 110kV và cải tạo nâng tiết diện dây dẫn tuyến đường dây 110kV đấu nối...
Điện gió Đầm Nại (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Miên
Công tác xây dựng, hoàn thiện và quản lý, triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách liên quan đến NL, NLTT được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển trung tâm NL, NLTT Ninh Thuận. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện, triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, cơ chế, chính sách có liên quan đến xây dựng, phát triển trung tâm NL, NLTT bảo đảm đồng bộ, có thống nhất cao với các quy hoạch khác kể cả các quy hoạch quốc gia, khả thi, đủ mạnh, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành NL được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2022-2023, toàn tỉnh đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu sử dụng của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực NL khoảng 438 người. Hiện nay, có khoảng hơn 1.100 lao động phục vụ tại 57 nhà máy NL, NLTT trên địa bàn tỉnh, với thu nhập người lao động có chuyên môn qua đào tạo đáp ứng yêu cầu vận hành trong các nhà máy bình quân 15 triệu đồng/tháng; nhân viên văn phòng khoảng 20 triệu/tháng.
Trong quá trình phát triển NL, NLTT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sáng kiến về mô hình phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm NL, NLTT của cả nước như: Mô hình phát triển điện gió kết hợp với dự án phát triển điện mặt trời; mô hình kết hợp điện gió trên các tuyến đường dân sinh của dự án đồng muối Quán Thẻ; mô hình xã hội hóa đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp đầu tư trạm biến áp và hạ tầng truyền tải (nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia), góp phần tiết kiệm, giảm áp lực ngân sách nhà nước, giải tỏa công suất và liên kết vùng; mô hình xây dựng trạm cắt và đường dây kết hợp nhiều dự án đấu nối cùng cấp điện áp 110kV và 220kV (điện mặt trời BP Solar, Sinergy, Bầu Zôn, Phước Hữu Điện lực 1...) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm quỹ đất, chi phí đầu tư cho dự án.. NL, NLTT góp phần quan trọng phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh NL quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Nghị quyết số 20, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo tăng cường quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch... liên quan đến phát triển NL, NLTT và xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm NL, NLTT của cả nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách phát triển điện NL, NLTT gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Phấn đấu đến năm 2025 đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 20 đề ra. Tập trung rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đến năm 2025 để xây dựng kế hoạch, xác định giải pháp, phân công cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả trong thời gian tới; trong đó lưu ý đối với các chỉ tiêu đã đạt khá, có khả năng hoàn thành phải phấn đấu thực hiện vượt; các chỉ tiêu đạt thấp, còn khó khăn cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu hoàn thành. Tập trung rà soát, đối chiếu, điều chỉnh các quy hoạch của tỉnh đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Khẩn trương ban hành và triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm là: Rà soát, dự kiến trên địa bàn tỉnh phát triển bao nhiêu MW nguồn điện gió ngoài khơi trong tổng công suất 2.000MW của khu vực Nam Trung Bộ; xác định địa điểm xây dựng trung tâm công nghiệp, dịch vụ tái tạo liên vùng và danh mục các dự án nguồn điện, hạ tầng truyền tải... để cập nhật, bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai trong thời gian tới. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư tới năm 2030, nhất là dự án LNG Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái, thủy điện tích năng Phước Hòa...
Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân đầu tư ở huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Nỷ
Tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm NL, NLTT của cả nước. Nhất là, tập trung phát triển cấu trúc, mô hình Trung tâm NL, NLTT gồm 2 phần (phần cứng và phần mềm); ban hành bộ tiêu chí nhận biết, theo dõi và đánh giá tiến trình xây dựng, phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm NL, NLTT của cả nước; hình thành 1 trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ NLTT; thu hút 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành NL. Rà soát, nghiên cứu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét hướng dẫn, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến phát triển điện NL, NLTT, nhất là: Các quy định, hướng dẫn, cơ chế, chính sách về phát triển phát triển NL, NLTT phù hợp với tình hình mới; xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải...; xây dựng Trung tâm công nghiệp và dịch vụ tái tạo liên vùng tại tỉnh, tích hợp với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ NLTT; cập nhật phương án đấu nối các dự án nguồn điện có phương án đấu nối từ cấp điện áp 110kV trở xuống...
Tăng cường công tác đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành NL bảo đảm số lượng và chất lượng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; có chính sách khuyến khích thu hút, đãi ngộ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động bảo đảm toàn diện, hiệu quả, khả thi. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển điện NL, NLTT. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tăng cường đồng hành, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động đầu tư phát triển NL, NLTT trên địa bàn tỉnh.
Xuân Bính