Hiệu quả bước đầu mô hình chăn nuôi cừu theo chuỗi giá trị ở xã Phước Chính

Mô hình chăn nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị ở xã Phước Chính (Bác Ái) được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai vào tháng 10/2023. Qua gần 9 tháng triển khai, bước đầu mô hình mang lại hiệu quả, tạo sinh kế cho người dân ở vùng cao.

Từ khi được nhận 14 con cừu cái sinh sản và 1 con cừu đực giống vào tháng 10/2023 để chăn nuôi theo chuỗi giá trị đã giúp gia đình chị Chamaléa Thị Ngọc ở thôn Núi Rây có thêm thu nhập. Để đàn cừu phát triển ổn định, gia đình chị chủ động trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn tươi cho đàn gia súc. Nhờ đó, đàn cừu phát triển tốt, sau gần 9 tháng nuôi tỷ lệ sinh sản đạt trên 80%. Chị Ngọc, phấn khởi: Trước đây kinh tế gia đình tôi khó khăn, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào trồng trọt, hiện nay được Nhà nước hỗ trợ vật nuôi đã giúp kinh tế gia đình ổn định hơn. Từ 15 con cừu giống ban đầu, đến nay đã phát triển lên 26 con, vừa rồi gia đình bán bớt 3 con cừu giống được gần 5 triệu đồng. Ngoài gia đình chị Ngọc, ở xã Phước Chính còn có nhiều hộ được hỗ trợ cừa giống để phát triển chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị ở xã Phước Chính giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Mô hình chăn nuôi cừu sinh sản theo chuỗi giá trị tại xã Phước Chính có 32 hội viên phụ nữ Raglai thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi; mỗi hộ nhận được 14 con cừu cái sinh sản và 1 con cừu đực giống, tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Chị Chamaléa Thị Duy, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Chính, cho biết: Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, tạo điều kiện giúp các hộ phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng và phối hợp với Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp Quang Khánh tiêu thụ ổn định sản phẩm cừu của bà con; đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình.