Xác định được tầm quan trọng và những lợi ích của MSVT trong sản xuất và tiêu dùng, HTX nông nghiệp Trường Thọ, xã Phước Hậu đã xây dựng và phát triển vùng sản xuất táo tập trung nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm táo. Đến nay, HTX đã được cấp MSVT với diện tích 62,2ha táo sạch, với 60 hộ dân tham gia sản xuất. Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc HTX, cho biết: Để đủ điều kiện được cấp MSVT, các hộ dân phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt sản xuất theo quy trình VietGAP. Do đó, HTX thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật ra đồng ruộng hướng dẫn, giám sát bà con sản xuất và sử dụng vật tư theo nguyên tắc “4 đúng”. Sau khi được cấp MSVT táo tập trung, sản phẩm táo của HTX bán giá cao.
Thực tế cho thấy từ khi xây dựng MSVT cũng được HTX Phước Vinh 59 xác định là con đường nhanh nhất để các loại nông sản của HTX có thể tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn. Sau nhiều cố gắng, năm 2023, HTX đã được cấp MSVT nội địa cho các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chị Nguyễn Thị Hồng Phấn, Giám đốc HTX, cho biết: Thời gian qua, HTX tích cực vận động các thành viên đăng ký xây dựng MSVT măng tây xanh, táo, chuối và dưa lưới. Đến nay, HTX đã được cấp 4 MSVT với diện tích 6,9ha. Việc HTX được cấp MSVT giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi và giá cả cũng cao hơn so với trước đây.
Vùng trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Phước Vinh 59 được cấp mã số vùng trồng.
Việc xây dựng MSVT giúp huyện Ninh hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng tập trung có năng suất, chất lượng cao. Nông sản của địa phương ngày càng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã được cấp 8 MSVT với diện tích 67,22ha; trong đó, 3 MSVT măng tây xanh với diện tích 46,14ha; 3 MSVT táo với diện tích 19,78ha; 1 MSVT dưa lưới, diện tích 1ha và 1 MSVT chuối diện tích 1,2ha.
Ông Nguyễn Đình Thường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Căn cứ vào các yêu cầu, tiêu chuẩn cấp MSVT, thời gian qua, huyện đã tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp có năng suất, chất lượng cao; quy hoạch, bố trí lại các vùng sản xuất theo thế mạnh từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng MSVT; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ các địa phương, HTX, nông dân đăng ký xây dựng MSVT; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân tại các vùng được cấp MSVT cách ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn và quy trình chăm chăm sóc...
Thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục rà soát các vùng sản xuất có tiềm năng, lợi thế để triển khai hỗ trợ, hướng dẫn nông dân, HTX xây dựng MSVT; chỉ đạo cho các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, người dân có diện tích canh tác đủ điều kiện làm hồ sơ để được xem xét cấp MSVT mới. Phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh có yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc; xây dựng mã QR giúp xác minh sản phẩm nhằm hạn chế tình trạng nông sản không an toàn, kém chất lượng, từ đó bảo vệ thương hiệu nông sản của địa phương. Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi cung ứng nông sản sạch theo quy trình sản xuất VietGAP để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần ổn định giá cả, thị trường tiêu thụ nông sản. Qua đó, góp phần tăng giá trị kinh tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Tiến Mạnh