Thuận Bắc: Đa dạng sinh kế, giảm nghèo bền vững

Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” (gọi tắt là Dự án) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 từng bước mở ra cơ hội cho người dân trên địa bàn huyện Thuận Bắc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Anh Nguyễn Đình Hạo, thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) là một trong những hộ nghèo vừa được nhận hỗ trợ 2 con bò sinh sản từ nguồn vốn của Dự án năm 2023, nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật bò phát triển tốt và đã sinh sản được 1 bê con. Vừa chăm sóc bò, anh Hạo vui mừng chia sẻ: Tôi rất vui vì nhận được sự quan tâm, hỗ trợ sinh kế của chính quyền địa phương. Nay bò mẹ đã sinh ra bê con, tôi quyết tâm sẽ chăm sóc chúng thật tốt, để tiếp tục nhân đàn, qua đó phát triển kinh tế. Không riêng gì hộ anh Hạo, từ nguồn vốn được phân bổ, xã Bắc Phong hỗ trợ 32 con bò giống sinh sản cho 16 hộ hộ nghèo và cận nghèo. Cùng với hỗ trợ bò giống, người dân còn được cán bộ xã hướng dẫn chăn nuôi có chuồng trại, các kỹ thuật chăm sóc vật nuôi nên toàn bộ số bò hỗ trợ đều phát triển tốt. Để mô hình phát huy hiệu quả, hằng năm, địa phương tiến hành khảo sát, lựa chọn xây dựng mô hình sát với điều kiện tự nhiên địa phương, phù hợp với năng lực, nhu cầu sản xuất người dân. Với cách làm Nhà nước hỗ trợ dự án, người dân tự nguyện tham gia và đóng góp một phần kinh phí đối ứng với phần ngân sách nhà nước đã tạo động lực, khơi dậy ý chí quyết tâm, trách nhiệm của người dân không chông chờ, ỷ lại vào chính sách giảm nghèo mà nỗ lực vươn lên làm ăn thoát nghèo... Qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến dự án giảm nghèo, nhiều hộ nghèo trong xã đã chủ động cải tạo khu vực chăn thả gia súc, chuồng trại để đáp ứng điều kiện hỗ trợ từ dự án.

Anh Nguyễn Đình Hạo, thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) chăm sóc bò giống.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Thuận Bắc đã triển khai 11 mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với kinh phí trên 2,2 tỷ đồng hỗ trợ cho 84 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các xã Bắc Sơn, Công Hải, Phước Kháng và Phước Chiến. Qua khảo sát, huyện triển khai dự án nuôi bò, dê sinh sản bởi đây là loài vật dễ nuôi, ít rủi ro về dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào nhờ địa hình nhiều đồi núi. Để khai thác tối đa hiệu quả nguồn vốn, địa phương đã khẩn trương rà soát, tập trung tuyên truyền, vận động để người dân nắm rõ điều kiện hỗ trợ, đăng ký theo nhu cầu. Với sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ các dự án, mô hình đã tạo động lực thúc đẩy nhiều hộ gia đình nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo. Cùng với hỗ trợ bò, dê giống sinh sản từ dự án 2, huyện Thuận Bắc cũng thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo, trong đó, ưu tiên các chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tư vấn, giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng hành với các chương trình giảm nghèo của huyện, các hộ nghèo thiếu phương tiện sản xuất cũng được tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi và các ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện...

Đồng chí Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thuận Bắc cho biết: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong 7 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là giải pháp quan trọng, giúp khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để người nghèo tự lực vươn lên. Sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng sạch, đẹp, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Đáng mừng qua các dự án hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, người dân tiếp cận các “điều kiện cần” dần thay đổi nhận thức, biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhờ linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, vừa tiếp sức, vừa khơi dậy ý chí để người dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 18,58% (năm 2022) xuống còn 13,33% (năm 2023), đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.