Tuy nhiên cần lưu ý, do trong chanh có nhiều acid citric nên ăn hoặc uống trực tiếp quá nhiều có thể khiến men răng bị bào mòn và tăng độ nhạy cảm. Theo bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, có nhiều người thường uống nước chanh vào buổi sáng với mục đích thải độc hoặc giảm cân nhưng do nước chanh có tính acid nên có tác động nhất định đến răng, nếu tiếp xúc liên tục với acid sẽ làm mòn men răng. Cách tốt nhất là bạn nên giảm lượng nước cốt chanh, chỉ dùng ½ quả chanh hoặc uống nước với 1-2 lát chanh. Khi uống nên dùng ống hút để giảm tiếp xúc của nước chanh với răng. Sau khi uống nước chanh nên súc miệng với nước lọc và không đánh răng sau khi uống nước chanh.
Thực phẩm có tính acid như nước chanh cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh lý dạ dày, trào ngược thực quản. Do đó cần lưu ý sử dụng với một liều lượng vừa phải, uống đúng cách và uống vào thời điểm phù hợp. Người có bệnh dạ dày tuyệt đối không nên ăn chanh hoặc uống nước chanh khi bụng đói vì có thể gây bào mòn niêm mạc dạ dày khiến tình trạng đau trầm trọng hơn. Thời điểm tốt nhất để uống nước chanh là sau khi ăn no khoảng 30 phút. Không nên uống nước chanh đậm đặc, cần pha loãng với nhiều nước ấm trước khi uống để giảm nồng độ acid.
B.H (theo Báo SK&ĐS)