Bác Ái: Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

Thời gian qua, huyện Bác Ái đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh... thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Nhờ đó, đã tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ tại các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh... ý thức thực hiện ATVSLĐ ở cả người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) từng bước được nâng cao.

Đến công trình xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi ở xã Phước Thắng, chúng tôi ghi nhận mỗi ngày có từ 13-14 công nhân làm việc nên vấn đề đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) luôn được đơn vị thi công đặt lên hàng đầu. Hằng ngày, mỗi công nhân trước khi vào làm đều được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động như: Áo bảo hộ, mũ bảo hộ, giày, khẩu trang... Bên cạnh việc trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị bảo hộ lao động, thì ý thức mỗi công nhân thực hiện đúng quy trình trong quá trình làm việc đóng vai trò quan trọng để đảm bảo ATLĐ. Anh Pi Năng Phương ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại cho biết: Tôi cũng như nhiều anh em làm tại công trình này hơn 3 tháng nay, trong quá trình làm việc vấn đề đảm bảo ATLĐ luôn được đặt lên hàng đầu. Trước khi vào công việc anh em chúng tôi đều được đơn vị thi công nhắc nhở mặc áo bảo hộ, mũ bảo hộ, giày... để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc nên anh em chấp hành rất nghiêm túc. Anh Phạm Tấn Thành, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Minh Thịnh, cho biết: Xác định công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các công trình, dự án, do đó khi thi công bất cứ công trình, dự án nào đơn vị thi công cũng thường xuyên nhắc nhở anh em công nhân chấp hành nghiêm các quy định về ATLĐ, phòng, chống cháy nổ trong quá trình làm việc. Nhờ đó, đã giúp ý thức của NLĐ được nâng lên rõ rệt, góp phần đảm bảo an toàn về người và của cải trong quá trình thi công các công trình.

Công nhân làm việc tại công trình Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lê Lợi được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bác Ái có trên 50 DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh... với tổng số lao động trên 1.500 người, tập trung chủ yếu ở các ngành như: Nông nghiệp, xây dựng, khai thác khoáng sản, năng lượng tái tạo... Để tăng cường công tác ATVSLĐ trên địa bàn, hằng năm UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ngành chức năng, các xã tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện, xã; treo băng rôn, khẩu hiệu, về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện ATVSLĐ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe NLĐ và sự phát triển bền vững của DN. Qua đó, giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và NLĐ trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, hầu hết các DN, HTX, các cơ sở sản xuất trên địa bàn đều thành lập hội đồng bảo hộ lao động hoặc bộ phận ATVSLĐ; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra NLĐ thực hiện ATVSLĐ. Thời gian qua, huyện đã tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra về ATVSLĐ ở một số DN có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động như: Xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Qua kiểm tra, các đơn vị đã chấp hành tốt về công tác ATVSLĐ. Tại các DN xây dựng, khai thác hầu hết công nhân được trang bị phương tiện bảo hộ lao động và thực hiện tốt các chế độ cho NLĐ. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng doanh thu và thu nhập cho NLĐ, DN luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các tiêu chuẩn quy định về ATLĐ; chưa chấp hành tốt các chính sách, pháp luật lao động, chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ...

Để tăng cường hơn nữa công tác ATVSLĐ trên địa bàn, thời gian tới huyện Bác Ái tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, cơ quan quản lý các cấp, các ngành về thực hiện công tác ATVSLĐ. Triển khai các biện pháp, giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giữ gìn vệ sinh môi trường trong xây dựng. Tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kiến thức về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, NLĐ và cán bộ cấp huyện, cấp xã. Xây dựng, tập huấn đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên về ATVSLĐ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các DN, cơ sở sản xuất trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đẩy mạnh phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo ATVSLĐ” tại các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn...