Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng mô hình NNTH vào quá trình sản xuất, thời gian qua, các trang trại thuộc hệ thống của GC Food Group Ninh Thuận đã thay đổi phương thức sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để không lãng phí, tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy được thu gom, ủ men vi sinh, nuôi trùn quế phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho cây trồng. Điển hình tại Trang trại Nắng và Gió có diện tích gần 100ha tại thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), với các loại cây trồng như: Táo, nho, ổi, dưa lưới, nha đam, rau sạch được canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tận dụng nguồn phế phẩm, chế biến thành các sản phẩm có giá trị phục vụ cho toàn bộ hệ thống sản xuất của trang trại. Anh Lê Minh Vương, phụ trách mảng kinh tế NNTH Trang trại Nắng và Gió, cho biết: Tận dụng nguồn phân bò sẵn có tại trang trại kết hợp vỏ lá nha đam để chế biến thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, việc này giúp tiết kiệm trên 1 tỷ đồng chi phí mua phân bón mỗi năm; đặc biệt, sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, được thị trường đón nhận.
Nhà màng trồng dưa lưới của Trang trại Nắng và Gió. Ảnh: Văn Nỷ
Ngoài sự tiên phong của các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp cũng đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông hộ hình thành các mô hình kết hợp giữa việc trồng trọt và chăn nuôi, tạo thành vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất. Mô hình trồng măng tây xanh kết hợp nuôi bò của ông Phạm Lê Hùng, thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải (Ninh Phước) là một điển hình. Tận dụng phân bò phối trộn với nấm Trichoderma ủ hoai, kết hợp phân vi sinh trùn quế bón cho 3 sào măng tây xanh, không chỉ hạn chế thuốc bảo vệ thực vật mà còn giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, trung bình mỗi ngày cho thu hoạch 35kg, thu nhập trên 1,5 triệu đồng/ngày; ngoài ra phần gốc măng tây được sơ chế làm thức ăn ngược lại cho đàn bò. Mô hình của ông được nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi và được chính quyền địa phương định hướng nhân rộng trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhìn nhận: Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, NNTH được xem là giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, triển khai các kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ đối với một số cây trồng; hướng dẫn bảo quản và chế biến thức ăn cho gia súc, sử dụng công nghệ tiên tiến Biogas, Biomas và đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo. Các mô hình NNTH của các tổ chức, cá nhân dần được hình thành cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách làm truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp thực hiện mô hình tuần hoàn và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, một số nông dân cũng bắt đầu tìm tòi, chuyển hướng sản xuất đạt những kết quả bước đầu.
Mặc dù mang lại lợi ích không nhỏ, tuy nhiên việc triển khai mô hình NNTH còn nhiều khó khăn nhất định. Nguyên nhân là do diện tích sản xuất thành vùng tập trung, chuyên canh còn quá ít, nhiều vùng thiếu nước, tâm lý e ngại rủi ro của người sản xuất; công nghệ sản xuất, thu hoạch, chế biến còn khiêm tốn, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ.
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính
tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Ảnh: Đăng Khôi
Theo Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030, có 50% cơ sở trồng trọt áp dụng công nghệ xử lý, thu gom và tái chế, tái sử dụng phụ phẩm sản phẩm chủ lực, 80% rơm rạ được thu gom và tái sử dụng; các xã nông thôn mới xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất NNTH. Có 80% trang trại và 50% hợp tác xã được tiếp cận quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp...
Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để đạt mục tiêu trên, ngành tập trung phối hợp với các viện, trường và các tổ chức liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật trong phát triển mô hình kinh tế NNTH; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn nông sản an toàn. Tổ chức triển khai thí điểm, đánh giá kết quả để làm cơ sở nhân rộng mô hình kinh tế NNTH tại các địa phương. Qua đó, tạo ra sản phẩm chất lượng, làm tăng giá trị sản xuất, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hồng Lâm