Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch: Nâng cao chất lượng sản phẩm đặc thù Ninh Thuận

Công nghệ sau thu hoạch (STH) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp, hạn chế tổn thất sản phẩm STH. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ STH, góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao. Ứng dụng công nghệ STH còn giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí cho các doanh nghiệp.

Làm việc cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (Công ty Cánh Đồng Việt) từ những năm đầu thành lập, chị Hồng Hà Thi Thơ hiểu rõ việc ứng dụng công nghệ STH có lợi ích như thế nào. Trước đây, bộ phận thành phẩm chủ yếu thực hiện bằng thủ công nên công ty phải bố trí nhiều người làm. Năm 2019, công ty đầu tư dây chuyền hiện đại giúp công nhân bộ phận thành phẩm vận hành thuận lợi hơn, năng suất đạt cao hơn trước nhiều lần. Chị Thơ chia sẻ: Em làm hơn 7 năm rồi, lúc mới vào thì công việc cũng vất vả, khó khăn. Sau khi công ty đầu tư máy móc thì mình làm rất thoải mái, tiết kiệm được thời gian mà thành phẩm tăng hơn rất nhiều.

Với tiêu chí sản xuất “Sản phẩm chất lượng, an toàn”, Công ty Cánh Đồng Việt đã ứng dụng các kỹ thuật công nghệ hiện đại theo mô hình khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp công nhân các bộ phận vận hành thuận lợi, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ năm 2019 đến nay, công ty ứng dụng mạnh mẽ công nghệ STH, đưa các dây chuyển hiện đại vào sản xuất như: Hệ thống máy rửa tự động, hệ thống băng chuyền trong công nghệ nấu, đóng gói, vô bao... đó là những chuỗi công nghệ đã giúp công ty cải thiện môi trường làm việc, nâng cao mức sống cho người lao động cũng như giá trị sản phẩm, đưa năng suất lao động tăng hơn 2 lần so với trước. Bên cạnh đó, để tạo ra sản phẩm nha đam chất lượng, Công ty Cánh Đồng Việt đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, nhân giống và chuyển giao mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam trên diện tích 250ha, đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm nha đam của công ty đã xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Đông... Chính nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ STH, Công ty Cánh Đồng Việt tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty Cánh Đồng Việt cho biết: Chúng tôi đã đầu tư vào công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Việc này giúp chúng tôi nâng cao năng suất, giảm thiểu lãng phí và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của thị trường. Chúng tôi cũng đã áp dụng các giải pháp công nghệ số để cải thiện quản lý dữ liệu, dự đoán nhu cầu thị trường và quản lý tồn kho, từ đó giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Trong năm 2024, Công ty Cánh Đồng Việt đã điều chỉnh dự án đầu tư, nâng công suất nhà máy lên 30.000 tấn thành phẩm mỗi năm với vốn đầu tư tăng thêm 52 tỷ đồng để hiện đại hóa và nâng cao công suất. Điều này nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu và sản lượng của thị trường, đồng thời tối ưu hóa phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG và hướng đến mục tiêu zero carbon trước năm 2030.

Nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng được chế biến từ các loại nông sản đặc thù của địa phương như: Nho, táo, nha đam, Công ty TNHH Thực phẩm T&H với thương hiệu sản phẩm RangFarm đã ứng dụng công nghệ sấy lạnh hiện đại. So với các phương pháp sấy nhiệt thông thường, công nghệ sấy lạnh có những ưu điểm vượt trội như: Có màu sắc tự nhiên, hương vị thơm ngon và có hàm lượng vitamin, khoáng chất cao. Theo đánh giá, phương pháp sấy lạnh sử dụng nhiệt độ thấp, không làm biến đổi các chất dinh dưỡng trong trái cây, do đó, sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Anh Lê Trung Thu, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm T&H cho biết: Ưu điểm khi sấy phương pháp này giúp sản phẩm chế biến có màu sắc, hương vị giữ nguyên giống như mình ăn tươi, thị trường tiêu thụ khách hàng đón nhận tốt. Khi thực hiện quy trình sấy này thì khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào rất quan trọng vì nó sẽ quyết định chất lượng sản phẩm đầu ra. Do đó, công ty hợp tác với nhà vườn có quy trình, quy định trồng rất cụ thể từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch, phải đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn. Khi trái cây được vận chuyển về nhà máy phải qua xử lý ozon, diệt vi khuẩn và tách cuống. Các công đoạn đều được kiểm soát kỹ lưỡng trước khi đưa vào máy sấy. Thời gian đến, công ty sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại nhằm đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu vào các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, qua đó, góp phần quảng bá thương hiệu và nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm đặc thù của tỉnh nhà.

Ứng dụng công nghệ STH hiện nay đang được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp và người dân trong tỉnh quan tâm, nhất là với các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Những dây chuyền máy móc hiện đại được đưa vào sản xuất từ việc bảo quản sản phẩm tươi đến sản phẩm chế biến, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, có giá trị, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Trong 3 năm qua, các đơn vị trong tỉnh đã chuyển giao hơn 30 đề tài hỗ trợ các doanh nghiệp về nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ với mục tiêu phát triển doanh nghiệp trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; trong đó, tập trung vào chế biến các cây trồng chủ lực như: Nho, táo, nha đam, măng tây... Điển hình như công nghệ sản xuất giá thể hữu cơ, chế biến rượu, xây dựng quy trình chiết xuất nha đam... Đồng chí Võ Quang Lãm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) cho biết: Sở tiếp tục chuyển giao một số đề tài ứng dụng KH&CN cho doanh nghiệp cũng như người dân nếu đáp ứng được các yêu cầu; trong đó, tập trung một số thiết bị trong quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu một số đề tài KH&CN xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm sản xuất rượu nho, nha đam; xây dụng mô hình sản xuất chuyên canh cây trồng phục vụ nguồn nguyên liệu chế biến; lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh để tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phát triển thành các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ xây dựng các vùng, cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi...

Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, công nghệ STH nếu được đầu tư, áp dụng hiệu quả sẽ góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm cây trồng đặc thù của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất, tạo bước đột phá về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.