Xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị xanh, thông minh, “đáng sống”

Với tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị cân bằng độc đáo, tỉnh xác định mục tiêu đến trước năm 2050 xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị sinh thái, bền vững, thông minh, sống tốt, có phát thải ròng bằng “0”; là thành phố du lịch đậm đà bản sắc với những giá trị độc đáo và khác biệt.

Khai thác tiềm năng phát triển

Qua hơn 17 năm được Chính phủ công nhận là thành phố thuộc tỉnh, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tận dụng có lợi thế vị trí địa lý nằm giữa trục giao thông trọng yếu Bắc - Nam - Tây Nguyên, được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển thoải, dài và đẹp, quanh năm nắng ấm, cùng với những danh lam thắng cảnh và điểm du lịch tâm linh thừa hưởng từ thời xưa; trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, định hướng, chiến lược phát triển, những năm qua, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tập trung huy động mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng đô thị loại II...

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng phát triển. Ảnh: Văn Nỷ

Trong nhiều thành tựu đạt được nổi bật, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2023 trên 20.708 tỷ đồng; trong đó thương mại, dịch vụ là ngành mũi nhọn chiếm tỷ trọng 62,3%, tập trung khai thác phát triển trên các lĩnh vực thế mạnh: Dịch vụ, du lịch biển, nghĩ dưỡng; tiếp đó là công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 31,3%. Cùng với các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng và mở rộng không gian đô thị, hạ tầng được đầu tư nâng cấp, nhiều khu đô thị mới, khu dân cư, trung tâm thương mại... được hình thành, phát triển đã giúp thành phố nâng cấp các tiêu chí đô thị, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh, tạo diện mạo ngày càng khang trang, văn minh. Hiện thành phố có trên 300 tuyến đường, với gần 130km, trong đó có khoảng 100 tuyến đường chính với tổng chiều dài 80km và 200 tuyến đường trong các khu dân cư khu đô thị mới... Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Mật độ cây xanh đô thị, cây xanh công cộng đạt ở mức 9,94m2/người; 95,5% người dân đô thị được cấp nước sạch sinh hoạt; 99% rác thải được thu gom; 100% đường phố và trên 90% con hẻm được chiếu sáng; thu nhập bình quân đầu người đạt 112 triệu đồng/người/năm... Đến nay, thành phố có 54/63 tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại II, trong đó 33 tiêu chí đạt cao; đồng thời có 41/63 tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại I; trong đó có 27 tiêu chuẩn đạt cao.

Quyết tâm trở thành thành phố “đáng sống”

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của trung ương, của tỉnh và các tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị sinh thái, bền vững, thông minh; một trong những trung tâm du lịch của miền Trung và của cả nước và là một trong những đô thị trọng tâm liên kết vùng.

Theo đồ án, thành phố được quy hoạch 5 phân vùng đô thị lớn với những đặc tính và chức năng riêng biệt: Phân vùng 1 là khu vực phát triển đô thị di sản, có phạm vi ranh giới bao gồm một phần diện tích của các phường Đô Vinh, Bảo An và Phước Mỹ, với diện tích hơn khoảng 927ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 28.500 người. Trọng tâm của khu vực này là các không gian xung quanh tháp Po Klong Garai và cộng đồng xung quanh; trong đó sẽ chỉnh trang và xây dựng một công viên lịch sử cạnh Sông Dinh. Khu vực có tính chất kết nối giữa không gian di sản đến không gian mới, ý tưởng nối kết từ quá khứ đến tương lai.

Phân vùng 2 là khu vực phát triển đô thị ven biển. Phạm vi gồm một phần của các phường: Văn Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Mỹ Đông và toàn bộ phường Đông Hải, có tổng diện tích khoảng 408ha, quy mô dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 59.500 người. Đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển. Điểm nhấn là đường đi bộ ven biển, quảng trường biển, những khách sạn cao tầng, các resort và dịch vụ hướng biển nhằm thể hiện hình ảnh của một thành phố biển. Tại khu vực phía Bắc và Nam Sông Dinh, trọng tâm là khu vực thôn Phú Thọ và cảng cá Đông Hải, tập trung phát triển du lịch làng nghề truyền thống kết hợp khai thác dịch vụ thương mại dọc bờ kè biển, chỉnh trang đô thị và xây dựng các không gian công cộng kết nối.

Phân vùng 3 là khu vực phát triển đô thị trung tâm. Phạm vi gồm một phần diện tích của các phường: Văn Hải, Mỹ Bình, Mỹ Hải, Mỹ Đông, Đài Sơn, Thanh Sơn, Phủ Hà, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Tấn Tài, Thành Hải. Quy mô diện tích khoảng 2.250ha; dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 118.000 người. Đây là khu đô thị tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trọng tâm là khu vực quảng trường trung tâm gắn với Trung tâm hành chính tỉnh, các công viên trung tâm, khu bảo tàng, trục thương mại đường 16 Tháng 4 kết nối ra biển. Xây dựng khu đô thị mới hình thành những tuyến phố trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí như khu đô thị Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn, khu công viên trung tâm và văn hóa thể thao. Phát triển trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế. Định hướng kết hợp với các đặc trưng hiện có và tăng cường tính bản sắc gắn liền với các di tích, văn hóa để kiến thiết thành những không gian đô thị riêng.

Khu đô thị Đông Bắc (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.Nỷ

Phân vùng 4 là khu vực phát triển đô thị Sông Dinh. Phạm vi gồm một phần các phường: Đạo Long, Phước Mỹ, Phủ Hà, Mỹ Hương, Kinh Dinh, Tấn Tài và Mỹ Đông, với diện tích khoảng 791ha; dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 59.000 người. Phát triển các khu vực đô thị dọc Sông Dinh dựa trên giá trị đặc trưng, không gian sống, không gian sinh hoạt và mặt nước là giá trị trọng tâm. Phía Bắc Sông Dinh là khu đô thị hiện trạng được cải tạo, chỉnh trang, chức năng ở, không gian mở dọc sông kết hợp tăng kết nối cộng đồng và phát triển cảnh quan dọc sông. Phía Nam Sông Dinh phát triển các khu vực du lịch theo hướng du lịch cảnh quan nông thôn và du lịch trải nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phân vùng 5 là khu vực phát triển đô thị kết nối (khu vực sân bay Thành Sơn). Phạm vi gồm một phần diện tích của các phường: Phước Mỹ, Đô Vinh và một phần xã Thành Hải, với diện tích khoảng 3.540ha; dân số dự kiến đến năm 2040 khoảng 55.000 người. Điểm nhấn là đầu mối hạ tầng giao thông (bến xe mới, nhà ga đường sắt mới,...), công viên sáng tạo, khu đô thị đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, bệnh viện quốc tế, khu liên hợp thể thao, có vai trò làm đầu mối giao thông vùng, có các chức năng giáo dục - đào tạo, thể dục thể thao chất lượng cao, y tế, logistic, dịch vụ thương mại... Tập trung phát triển theo hướng đô thị thông minh sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống đô thị với các công trình hiện đại và không gian xanh công cộng rộng lớn.

Quy hoạch Tp. Phan Rang- Tháp Chàm sẽ chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ tập trung phát triển các hạ tầng xã hội về giáo dục - đào tạo, hành chính, thương mại dịch vụ, thể dục thể thao. Đồng thời, phát triển vào các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển, các dự án khu đô thị mới Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn, khu đô thị mới Tây Bắc, khu đô thị mới Đông Nam. Chỉnh trang và tái thiết các khu vực hiện hữu trong thành phố.

Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: T.D

Giai đoạn từ 2030 đến 2040 sẽ mở rộng đô thị về 2 hướng chính: Hướng Đông - Tây, theo Quốc lộ 27 hướng về đường cao tốc Bắc - Nam và đường 705B, phát triển theo hướng đô thị sân bay, giáo dục, tri thức và hướng Bắc -Nam, mở rộng từ trung tâm hướng đến khu vực Đầm Nại, phát triển các khu đô thị kết hợp thương mại hỗn hợp, chăm sóc sức khỏe.

Với định hướng, chiến lược đúng đắn và các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể cho từng giai đoạn, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ, nhân dân thành phố và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm sẽ tiếp tục tận dụng, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển, trở thành thành phố “đáng sống”, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà, trung tâm du lịch của miền Trung và của cả nước.