Ninh Phước thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, huyện Ninh Phước đã tập trung triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển NN theo hướng hiện đại, bền vững.

Xác định Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy là giải pháp đột phá, tạo động lực để phát triển NN, huyện Ninh Phước quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho ứng dụng khoa học - công nghệ, lựa chọn các loại cây trồng có giá trị cao vào đưa sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân; triển khai các chính sách hỗ trợ NN, nông thôn; kêu gọi, thu hút đầu tư vào NN, qua đó đã có một số doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển NN ứng dụng CNC, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung.

Mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Minh Phi.

Là một trong những hợp tác xã (HTX) đi tiên phong trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất, thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải đã tập trung hỗ trợ các thành viên lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm phục vụ sản xuất măng tây xanh mang lại hiệu quả cao. Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX, cho biết: Qua sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm đã giảm 30% nước tưới so với tưới truyền thống. Bên cạnh đó, việc đưa các cây trồng có giá trị vào sản xuất, áp dụng mô hình trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến nay, 65ha măng tây xanh của HTX đã được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, các thành viên trong HTX có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Là người theo đuổi NN ứng dụng CNC, anh Nguyễn Minh Phi, khu phố 15, thị trấn Phước Dân đã đầu tư 1,3 tỷ đồng xây dựng nhà kính với diện tích 1.000m2, lắp đặt hệ thống tưới và giàn đỡ trồng rau theo hướng NN sạch. Anh Phi chia sẻ: Để có những giàn rau xanh, đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong quá trình sản xuất từng giàn rau được ghi chép, theo dõi các yếu tố như nhiệt độ, chất dinh dưỡng để đảm bảo năng suất đạt cao. Đặc biệt, trồng rau thủy canh ứng dụng CNC loại bỏ được các chất gây hại cho cây bởi hệ thống giàn trồng rau thủy canh được đặt cách mặt đất khoảng 1m, nên hạn chế tối đa các bệnh nấm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghi quyết số 06-NQ/TU, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện Ninh Phước đạt 6,95%/năm; giá trị sản phẩm NN ứng dụng CNC trên đơn vị diện tích đạt hơn 1,3 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, toàn huyện đã hình thành được 15 vùng chuyên canh sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh, với diện tích rên 2.300ha gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; vùng sản xuất rau an toàn kết hợp hệ thống tưới nước tiết kiệm trên 500ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 200ha và chứng nhận hữu cơ 20ha; vùng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bao tiêu sản phẩm với 13 trang trại. Phát triển được 4 mô hình ứng dụng CNC về sản xuất NN; 2 vùng sản xuất rau ứng dụng CNC và vùng nuôi tôm ứng dụng CNC xã An Hải...

Đồng chí Đàng Năng Tom, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng CNC vào sản xuất NN trong thời gian qua trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về quy mô, năng suất, sản lượng; việc triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết trong tiêu thụ sản phẩm được chú trọng, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành NN.

Huyện Ninh Phước đề ra mục tiêu đến năm 2025 có từ 1-2 vùng sản xuất NN đáp ứng các điều kiện, tiêu chí công nhận là vùng NN ứng dụng CNC; hình thành vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng CNC tại xã Phước Vinh và Phước Thái; ít nhất có 2 dự án NN ứng dụng CNC, có 1 sản phẩm NN xuất khẩu... Để thực hiện đạt mục tiêu, huyện đề ra giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển NN ứng dụng CNC trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển NN, nông thôn trên địa bàn phù hợp với từng vùng sản xuất. Tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng CNC vào sản xuất NN gắn với bảo vệ môi trường. Duy trì và nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC như: Mô hình cánh đồng lớn, tưới nước tiết kiệm, VietGAP, hữu cơ... Phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến và bảo quản sản phẩm nông sản. Chú trọng hợp tác liên kết “4 nhà” trong việc chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học, công nghệ trong chế biến, bảo quản nông sản.