Góp ý Văn kiện Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029

* Đồng chí Nguyễn Văn Quế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy:

Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029 là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân trong tỉnh đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020-2025, với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức mới. Do đó, đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục phát huy vai trò trong xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo đồng thuận xã hội; tiếp tục bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin và khát vọng phát triển Ninh Thuận ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, tuyên truyền, vận động nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã được Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam phát động với phương châm “nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật, nhân dân được hưởng lợi thật”. Đội ngũ cán bộ tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo tốt, kịp thời, hiệu quả, do vậy, nhiệm kỳ này, MTTQ Việt Nam tỉnh cũng cần đẩy mạnh công tác đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi dân vận, có khát vọng cống hiến đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

* Ông Mai Liên, người có uy tín xã Phước Trung (Bác Ái):

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029, tôi đánh giá cao những kết quả đạt được của MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024 và mục tiêu, chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029. Trong đó, nổi bật là đã vận động hỗ trợ xây dựng 1.108 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân gặp khó khăn về chỗ ở, qua đó giúp nhiều bà con nghèo của tỉnh nói chung và huyện miền núi Bác Ái nói riêng có những ngôi nhà mới để an cư lập nghiệp; việc tổ chức các diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói người nghèo”, lắng nghe tiếng nói người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của người dân được giải quyết kịp thời, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh... Ngoài ra báo cáo cần đánh giá thêm vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong việc vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương...