Phụ tải tăng cao
Theo Công ty Điện lực Ninh Thuận (PC Ninh Thuận), trong các tháng cao điểm mùa khô, nhất là trong các ngày đầu tháng 4 đến nay, công suất và sản lượng tiêu thụ điện cực đại tại tỉnh ghi nhận mức 129,46MW (tăng 10,1% so với năm 2023). Phụ tải tăng chủ yếu khách hàng sinh hoạt vào khung giờ từ 18-21 giờ và dùng cho sản xuất công nghiệp, các nhà máy hoạt động tăng ca. Tính riêng trong quý I, điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 212,213 kWh, tăng 18,46%, đạt gần 24% so với kế hoạch giao năm 2024 (885 triệu kWh); so với mức độ tăng trưởng trong khu vực, Ninh Thuận là tỉnh đứng thứ 2 trong số 21 tỉnh, thành phố thuộc hệ thống Điện lực miền Nam quản lý. Một số trạm, lưới điện 110kV hiện tại có đường dây đang vận hành đầy tải trên 80%; đơn cử như đường dây Tháp Chàm và đường dây Ninh Hải - Đầm Nại vận hành đạt 90-100% tải, Sông Pha- Ninh Sơn đạt 80-90%.
Nhân viên PC Ninh Thuận cùng các đơn vị chức năng kiểm tra hệ thống cung ứng điện.
Nhằm đảm bảo các giải pháp cung cấp điện trên địa bàn, tỉnh cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; phê duyệt danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng năm 2024 và Kế hoạch cung cấp điện năm 2024. Trên cơ sở đó, PC Ninh Thuận đã có kế hoạch cung cấp điện cụ thể từng tháng và cả năm, có phương án cung cấp ứng phó với trường hợp mất cân đối cung cầu trên hệ thống điện miền Nam năm 2024. Cùng với đó triển khai thực hiện chỉ đạo của ngành về kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4,5,6,7) năm 2024.
Về giải pháp đầu tư, xây dựng lưới điện, năm 2024, ngành điện lực thực hiện đầu tư các công trình đường dây, trạm biến áp 110kV và lưới điện 22/0,4 kV trên địa bàn tỉnh với tổng vốn hơn 257 tỷ đồng; trong đó công trình lưới điện truyền tải 107,7 tỷ đồng; lưới điện phân phối 149,28 tỷ đồng với 14 công trình, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2024; qua đó nhằm tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, chống quá tải và đáp ứng phụ tải mới. Theo ông Đỗ Nguyên Hưng, Giám đốc PC Ninh Thuận, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đảm bảo cung cấp điện, ngoài việc xây dựng kế hoạch cung cấp điện hợp lý, PC Ninh Thuận đang triển khai các công trình đầu tư theo kế hoạch được giao, trong đó có 13 công trình lưới điện phân phối bao gồm: 132,632km đường dây lưới điện 110kV và công suất máy biến áp 40MVA; 1.045,3km đường dây trung hạ thế và máy biến áp 22/0,4kV công suất 95,28MVA. Hiện nay PC Ninh Thuận đang tập trung nguồn lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng do EVN giao.
Đẩy mạnh tiết kiệm điện
Để đảm bảo cung ứng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trong mùa khô cũng như cả năm, ngay từ đầu năm 2024, PC Ninh Thuận đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình triển khai các giải pháp tiết kiệm điện theo Kế hoạch số 5428/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, PC Ninh Thuận phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và phổ biến kiến thức sử dụng điện, lan tỏa thông điệp “tiết kiệm điện hiệu quả thành thói quen”. Kết nối vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dịch vụ thực hiện các giải pháp quản lý hành chính, cải tiến kỹ thuật, đầu tư công nghệ tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Thực hiện ký phụ lục hợp đồng thỏa thuận với khách hàng giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện bằng việc thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện, cam kết sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Công Thương tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện tiết kiệm điện đối với các đơn vị sử dụng diện để nhắc nhở, hướng dẫn, chấn chỉnh kịp thời.
Theo PC Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay đã có 7.361 khách hàng thực hiện tiết kiệm điện, sản lượng điện tiết kiệm đạt 2,8 triệu kWh; trong đó nhóm hành chính sự nghiệp tiết kiệm 5% sản lượng điện so với cùng kỳ năm 2023; nhóm chiếu sáng công cộng tiết kiệm 30% sản lượng; nhóm thương mại dịch vụ, sản xuất công nghiệp tiết kiệm 2% sản lượng. Thực hiện kế hoạch cung cấp điện và công suất khả dụng nguồn điện phân bổ năm 2024 của EVN, căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng, nhất là đối với 24 khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ cao (từ trên 1 triệu kWh) đề xuất dịch chuyển công suất từ 5-10% công suất đỉnh trong khung giờ cao điểm sang các khung giờ khác hợp lý, với tổng tiềm năng dịch chuyển 1,67MW điện; thỏa thuận với 53 khách hàng tiêu thụ điện cao tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải với công suất trên 4,81MW điện. Nhờ vậy, thời gian qua, mặc dù phụ tải tăng cao nhưng lưới điện 110kV vẫn đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt.
Mai Phương