Văn bản nêu: Thực hiện Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng,
Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh, tình hình thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài, đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao; cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay đang là Cấp IV - Cấp nguy hiểm (thời tiết khô hanh, hạn kéo dài có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng mũi tên chỉ số IV). Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nền nhiệt cao hơn năm 2023. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân,
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra; đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của các địa phương, các chủ rừng trong đó đặc biệt lưu ý các khu vực trọng điểm về cháy rừng.
b) Tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án Phòng cháy, chữa cháy rừng và truy quét chống phá rừng năm 2024 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 20/12/2023. Tiếp tục tăng cường tổ chức tuần tra; ứng dụng khoa học, công nghệ và sử dụng phương tiện, thiết bị để theo dõi, phát hiện sớm cháy rừng; cung cấp thông tin khi phát hiện có cháy rừng và tổ chức chữa cháy kịp thời; tổ chức trực chòi canh, kiểm soát người, phương tiện ra vào rừng.
c) Chỉ đạo các cơ quan kiểm lâm, chủ rừng thiết lập đường dây nóng, thông qua các mạng xã hội để thu nhận thông tin báo cháy rừng của người dân. Thực hiện nghiêm trách nhiệm thông báo khi có cháy rừng xảy ra theo quy định: Chủ rừng, kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm thông báo nhanh ngay khi phát hiện vụ cháy rừng tới Hạt Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm cập nhật, thông báo nhanh tới Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh cập nhật, thông báo nhanh tới Cục Kiểm lâm (theo số điện thoại: 0986668333; E-mail: fpd@kiemlam.org.vn), đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
d) Tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm
- Tăng cường tối đa lực lượng, bám sát địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Trong đó yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký thời gian xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy với trưởng thôn, Kiểm lâm địa bàn để theo dõi, hướng dẫn, nhằm kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong xử lý thực bì. Trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV (Cấp nguy hiểm) và cấp V (Cấp cực kỳ nguy hiểm) nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong rừng, gần rừng và đốt xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy. Thường xuyên theo dõi thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng (Website của Cục Kiểm lâm: kiemlam.org.vn; Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: nchmf.gov.vn).
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án về phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì, dự báo, cảnh báo, nguy cơ cháy rừng để thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông.
- Theo dõi các điểm cháy sớm phát hiện từ ảnh vệ tinh, kết hợp phát hiện cháy sớm tại các chòi canh, các chốt gác để phát hiện sớm các điểm cháy rừng; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, các chủ rừng kiểm tra, xác minh và tổ chức chữa cháy kịp thời.
- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; nâng cao chất lượng, độ chính xác, tần suất dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi xảy ra cháy rừng; duy trì chế độ thường trực công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
- Hỗ trợ các chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định hiện hành; khẩn trương rà soát, tu bổ hệ thống biển cấm lửa, các bảng tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tu sửa, xây dựng đường băng cản lửa, chòi canh lửa, đảm bảo phương tiện kỹ thuật, hậu cần thiết yếu, chấp hành nghiêm công tác ứng trực theo cấp dự báo cháy rừng hàng ngày, sẵn sàng triển khai các biện pháp ngăn chặn, dập lửa khi có cháy rừng xảy ra.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10/02/2022; Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chủ trương đầu tư dự án Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030. Kịp thời tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo những khó khăn, vướng mắc, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.
2. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện có trách nhiệm chỉ đạo triển khai các biện pháp PCCCR trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, trong đó quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính sau
a) Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở về quản lý bảo vệ rừng theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Lâm nghiệp; Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
b) Thường xuyên kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện vật tư đảm bảo đầy đủ, sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.
c) Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và những ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt đám cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo đảm bảo đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả. Thiết lập và duy trì thông tin liên lạc các cấp để phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt là công tác chỉ huy chữa cháy rừng. Báo cáo ngay khi phát hiện cháy rừng về Chi cục Kiểm lâm theo số điện thoại: 02593.824.263 để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp cấp xã theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Luật Lâm nghiệp; chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực để thực hiện công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn; xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để phối hợp với các đơn vị chủ rừng bố trí các nguồn lực, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng theo thẩm quyền.
đ) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí, Đài phát thanh tăng cường hoạt động tuyên truyền, tăng cường thời lượng phát sóng nhằm nâng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong công tác chữa cháy rừng; thông tin về cháy rừng phải được thông báo rộng rãi, nhanh chóng, kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm sở tại và đơn vị chủ rừng.
3. Giao các đơn vị chủ rừng
a) Đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc về phòng cháy và chữa cháy rừng, cụ thể: (1) Phòng cháy và chữa cháy rừng phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng; (2) Chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng; (3) Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng; (4) Thực hiện phương châm 4 tại chỗ; (5) Chỉ đạo, chỉ huy thống nhất; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia chữa cháy rừng; (6) Trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: Người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.
b) Tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng, trọng tâm là công tác tuyên truyền; kiểm soát chặt chẽ và hạn chế các nguyên nhân gây cháy rừng; xây dựng, tu sửa các công trình phòng cháy chữa cháy rừng; duy trì đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ vào mùa cao điểm; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; có phương án chữa cháy rừng cụ thể phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời khống chế nhanh nhất các tình huống cháy rừng.
c) Khi có cháy rừng xảy ra, khẩn trương chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện để dập tắt đám cháy rừng, không để cháy lan, cháy lớn diện rộng; sau các vụ cháy rừng cần khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng chuyển hồ sơ cho các cơ quan có chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; có phương án phục hồi rừng theo đúng quy định pháp luật chuyên ngành và phù hợp với tình hình thực tế.
4. Giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
a) Rà soát, chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
b) Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trong khu vực quản lý; tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan đến hành vi hủy hoại rừng, phá rừng, gây cháy rừng trên địa bàn tỉnh; thường xuyên trao đổi thông tin và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị phối hợp khi có cháy rừng xảy ra, không để cháy lan, cháy lớn; đồng thời, sau cháy rừng cần khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan điều tra, xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
5. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; các gương người tốt, việc tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân; phản ánh trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất trong đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và cấp dự báo cháy rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng để người dân biết, chủ động phòng ngừa.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ rừng, chủ động ứng phó, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
NT