Văn bản nêu: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại văn bản số 5255-CV/TU ngày 09/4/2024 và ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tại văn bản số 348-CV/BCSD ngày 10/4/2024 về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
1. Giao các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 về yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; các giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh theo văn bản số 307-BC/BCSĐ ngày 03/4/2024 của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; các chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 315/UBND-KTTH ngày 19/01/2024 và số 1506/UBND-KTTH ngày 08/4/2024 và các nội dung theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại văn bản nêu trên. Theo đó xác định công tác ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, với tinh thần chủ động, tích cực và mục tiêu “không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”.
2. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và nguồn nước để kịp thời xây dựng, rà soát điều chỉnh kế hoạch ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp, hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và ổn định đời sống cho người dân; tăng cường đi cơ sở kiểm tra tình hình để kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với tình hình hạn hán, thiếu nước.
b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch gieo trồng phù hợp với tình hình hạn hán, thiếu nước...; thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Người dân Thuận Nam chuyển đổi cây trồng cạn sử dụng ít nước để ứng phó hạn. Ảnh: Văn Nỷ
c) Tổ chức nạo vét, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, phát dọn, vệ sinh, khơi thông dòng chảy các kênh mương, công trình thủy lợi... trên địa bàn nhằm tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất.
d) Nghiên cứu, có phương án và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân di chuyển đàn gia súc đến nơi có nguồn thức ăn, nước uống khi cần thiết. Trong điều kiện xảy ra nắng hạn gay gắt, nghiêm trọng cần tập trung ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc, gia cầm gắn với xem xét tạm dừng việc triển khai các hoạt động chưa thật sự cần thiết để tiết kiệm nước.
đ) Thực hiện nghiêm, kịp thời công tác báo cáo tình hình, công tác ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại khoản 12 văn bản số 1506/UBND-KTTH ngày 08/4/2024 vào sáng thứ tư hàng tuần về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục thủy lợi (Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để theo dõi, tổng hợp.
3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước để kịp thời, chủ động đề xuất các biện pháp, giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, linh hoạt; thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo công tác ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn./.
NT