I. Chủ đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm’ năm 2024
1. Lý do chọn chủ đề
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã vào cuộc và tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Công tác tuyên truyền, thanh, kiểm tra về ATTP được tăng cường, góp phần ngăn chặn kịp thời, giảm nguy cơ mất ATTP, đặc biệt là giảm các vụ ngộ độc tại các khu công nghiệp.
Hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ATTP cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế. Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; Đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước đạt được nhiều thành tựu. Nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác bảo đảm ATTP còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế: Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới (như kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) khó quản lý; Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã; Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý ATTP. Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
2. Chủ đề
An ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, cấp bách, lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Ngày 21/10/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an ninh, ATTP, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; để đáp ứng ngày càng cao hơn trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP, chủ đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 là: “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Thực khách thưởng thức món hàu Đại dương được chế biến an toàn thực phẩm ở Hội chợ ẩm thực năm 2024 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
II. Mục đích, yêu cầu
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.
2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
3. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
III. Thời gian và phạm vi triển khai
1. Thời gian: từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2024.
2. Phạm vi triển khai: trên phạm vi toàn tỉnh.
IV. Các hoạt động triển khai
1. Tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024
a) Tuyến tỉnh: Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh tổ chức hội nghị hoặc hình thức khác để triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
b) Tuyến huyện: Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP huyện, thành phố tổ chức Hội nghị, Lễ phát động hoặc hình thức khác để triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024; chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức phổ biến triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 trên địa bàn đảm bảo phù hợp, hiệu quả, thiết thực.
Thời gian tổ chức từ ngày 15/4 đến 20/4/2024.
2. Triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm ATTP
a) Tại tuyến tỉnh
Các Sở, ban, ngành trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tổ chức các tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về ATTP,…; huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP, biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn phù hợp quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền vận động nhân dân trong việc tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng, đồng thời nêu tên và địa chỉ các sản phẩm và cơ sở không đảm bảo an toàn, kịp thời cảnh báo người dân.
b) Tại tuyến huyện và tuyến xã
- Căn cứ tình hình, điều kiện từng địa phương chủ động triển khai tuyên truyền trên các phương tiện thông thích hợp tại địa phương; huy động các cơ quan thông tấn báo chí, Mặt trận, các Hội, Đoàn thể ở địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 tại địa phương; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền các thông điệp bảo đảm ATTP trên hệ thống loa phát thanh.
- Tăng cường tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn, phổ biến các các quy định trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn.
- Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.
3. Hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành
a) Tuyến tỉnh
Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương chủ trì thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP (mỗi Sở thành lập 01 đoàn). Mỗi đoàn cần có sự phối hợp đầy đủ các Sở, ban, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm theo phân công, phân cấp quản lý.
Cục Quản lý thị trường: theo chức năng nhiệm vụ của mình tổ chức đoàn kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, kinh doanh các thực phẩm đang lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các loại thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng.
b) Tuyến huyện và tuyến xã
Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân công, phân cấp trên địa bàn quản lý.
c) Yêu cầu các Đoàn thanh tra, kiểm tra
Khi tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra cần có đầy đủ thành phần chuyên môn và đủ thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, trang thiết bị kỹ thuật lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, không để tồn tại tình trạng chỉ nhắc nhở đối với các trường hợp vi phạm ATTP tại tuyến huyện và tuyến xã. Thống nhất công tác thanh tra, kiểm tra giữa các Sở, các tuyến để tránh trùng lắp.
4. Tiến trình thực hiện
- Các địa phương xây dựng Kế hoạch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và phân công tổ chức triển khai thực hiện trước ngày 10/4/2024.
- Triển khai chiến dịch tuyên truyền: từ ngày 10/4 đến ngày 15/5/2024.
- Tổ chức phổ biến triển khai Tháng hành động: từ ngày 10/4 đến ngày 15/4/2024.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra: từ ngày 15/4 đến 15/5/2024.
- Báo cáo, tổng kết:
Kết thúc “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các huyện, thành phố và các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện (theo mẫu đính kèm tại phụ luc III) về Sở Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh (thông qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) trước ngày 20/5/2024 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Cục ATTP - Bộ Y tế.
V. Kinh phí
Các Sở, ban, ngành, địa phương sử dụng nguồn kinh phí cấp hàng năm để triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định hiện hành.
VI. Tổ chức thực hiện
1. Sở Y tế
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 một cách phù hợp, hiệu quả, thiết thực.
b) Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về ATTP với nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình, tuyên truyền lưu động, phối hợp thực hiện các phóng sự, chuyên mục ATTP, hướng dẫn treo băng rôn tại các cơ sở thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thành lập 01 Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật.
d) Làm đầu mối đôn đốc, theo dõi các đơn vị, địa phương triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Cục ATTP - Bộ Y tế.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với Sở Y tế và các ngành chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 trên địa bàn.
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thành lập 01 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP để kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý, cần xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định pháp luật.
c) Phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện các bản tin, phóng sự về ATTP; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
d) Báo cáo kết quả triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực ngành quản lý gửi về Sở Y tế đúng thời gian để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
3. Sở Công Thương
a) Phối hợp với Sở Y tế và các ngành chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 trên địa bàn.
b) Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thành lập 01 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tại các cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật.
c) Phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị truyền thông tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP, công khai các cơ sở vi phạm và các sản phẩm không bảo đảm ATTP để cảnh báo người dân, đồng thời đề xuất khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhận thực hiện tốt các quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
4. Công an tỉnh
a) Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP do các Sở chuyên ngành chủ trì.
b) Tăng cường công tác nắm bắt tình hình bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
5. Cục Quản lý thị trường:
a) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, kinh doanh các thực phẩm đang lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các loại thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng.
b) Thực hiện báo cáo kết quả triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý về Sở Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đúng thời gian để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo: phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện tuyên truyền, giáo dục các quy định về ATTP trong trường học; phối hợp với các ngành, địa phương liên quan trên địa bàn kiểm tra ATTP tại các bếp ăn tập thể, căn tin trong trường học nhằm chấn chỉnh kịp thời, ngăn ngừa sự cố mất ATTP.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Phòng Văn hóa thông tin các huyện, thành phố phối hợp tuyên truyền về công tác bảo đảm ATTP trong dịp “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024.
b) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong công tác bảo đảm ATTP phục vụ các sự kiện văn hóa diễn ra trên địa bàn tỉnh trong dịp “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024.
8. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Y tế và các ngành chức năng triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, các nội dung thông điệp “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm của cơ sở trong sản xuất kinh doanh, quảng cáo thực phẩm theo quy định của pháp luật.
9. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh
a) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện các phóng sự, đưa tin kịp thời về việc triển khai trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024; tuyên truyền các nội dung thông điệp có liên quan đến công tác bảo đảm ATTP.
b) Cử phóng viên tham gia đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh để làm phóng sự, đưa tin việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở thực phẩm. Biểu dương các tổ chức cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm ATTP, đồng thời công khai tên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
10. Báo Ninh Thuận: Phối hợp với các ngành chức năng đăng tin, bài về công tác đảm bảo ATTP trên Báo Ninh Thuận trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024.
11. Các Sở, ngành, đơn vị khác: Tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị các quy định của pháp luật về ATTP.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Căn cứ nội dung Kế hoạch này chủ động xây dựng kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 trên địa bàn quản lý; tổ chức Lễ Phát động “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 trên địa bàn một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp.
b) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về ATTP trên hệ thống phát thanh của địa phương với nội dung đa dạng, dễ hiểu phù hợp với văn hóa, tập quán của từng địa phương.
c) Triển khai hoạt động kiểm tra liên ngành về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý; tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc đối tượng công bố/tự công bố sản phẩm nhưng không thực hiện bao gói, ghi nhãn sản phẩm cũng như không tự công bố sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm có nguy cơ không đảm bảo ATTP, cần xử lý nghiêm theo chế tài xử phạt hành chính của pháp luật.
d) Chỉ đạo, hướng dẫn xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tiến hành kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý.
đ) Tổ chức các đoàn giám sát nghiêm việc triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm ATTP trong “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 tại các xã, phường, thị trấn. Xử lý nghiêm tình trạng một số cán bộ, người đứng đầu lơ là, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn quản lý.
13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Chữ Thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh: Tham gia hưởng ứng “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024 và có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng cho các thành viên trong tổ chức các quy định của pháp luật về ATTP.
Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ kế hoạch này, chủ động triển khai có hiệu quả nội dung Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định./.
NT