Văn bản nêu: Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn,
Theo dự báo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Từ tháng 4-5/2024 hiện tượng ENSO: Trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo trong ba tháng tới, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 80-95%; từ tháng 6-8/2024 hiện tượng ENSO: Dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì tới đầu năm 2025 với xác suất khoảng 80-95%. Dự báo lượng mưa từ tháng 4-5/2024: Khu vực ven biển các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ở mức 70-110mm thấp hơn trung bình năm ngoái (TBNN); khu vực các huyện Ninh Sơn, Bác Ái ở mức 140-170mm (xấp xỉ TBNN); Lượng mưa từ tháng 6-8/2024, tổng lượng mưa ven biển 120-220mm, vùng núi 250-350mm, ở xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Về thủy văn từ tháng 4-5/2024: Mực nước trên các sông suối khu vực tỉnh ít biến đổi. Lượng dòng chảy trên các sông suối phổ biến thấp hơn đến xấp xỉ TBNN. Từ tháng 6-8/2024, mực nước trên các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận ít biến đổi và dao động nhỏ. Lượng dòng chảy trên các sông suối phổ biến thấp hơn đến xấp xỉ TBNN. Trong mùa khô năm 2024, khả năng xuất hiện hạn hán thiếu nước cục bộ ở một số vùng, vì vậy nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc và nước phục vụ sản xuất năm 2024 là rất lớn.
Trong mùa khô năm 2024 nguy cơ thiếu nước cục bộ sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển đàn gia súc. Ảnh: Văn Nỷ
Trước tình hình trên, nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành, địa phương:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với các kịch bản nguồn nước;
- Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước không đảm bảo cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác;
- Tổng hợp tình hình, công tác ứng phó hạn hán; chủ động phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định của pháp luật; đồng thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho Tỉnh triển khai công tác chống hạn theo đúng quy định.
2. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh: Phối hợp với Sở, ngành, đơn vị, địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.
3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi, dự báo sớm, đảm bảo độ tin cậy về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương và các cơ quan có liên quan để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;
- Phối hợp với Sở Y tế, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, hướng dẫn nhân dân cách sử dụng giếng khoan, giếng đào đảm bảo vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường để sử dụng ổn định. Hướng dẫn tổ chức nhân dân thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan trên người, vật nuôi; kiểm tra bản đồ địa chất, khảo sát thăm dò tầng nước ngầm để có biện pháp khai thác nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trong mùa khô hạn.
4. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Ninh Thuận, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan xây dựng phương án cụ thể chủ động bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt; ưu tiện bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống nước sinh hoạt, các trạm bơm nước phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm điện của nhân dân.
5. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, các cơ quan thông tấn báo chí và các địa phương tăng cường phổ biến, hướng dẫn cho người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe, nhất là trong những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài.
6. Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương thường xuyên rà soát các đối tượng thuộc diện phải hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, tuyệt đối không để hộ dân nào bị thiếu đói. Trường hợp vượt khả năng giải quyết của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền; trường hợp vượt khả năng cân đối của tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ theo quy định hiện hành.
7. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận và cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, đưa tin kịp thời, chính xác về tình hình nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng tiết kiệm điện, nước và tạo ra sức mạnh của toàn dân trong phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
8. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt.
9. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành, đơn vị, địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định.
10. Giao Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi, dự báo sớm, đảm bảo độ tin cậy về tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương và cơ quan có liên quan để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
11. Giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chủ trì, phối hợp với các địa phương vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp; chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp. Kiên quyết không tưới những diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch và không theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
12. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước;
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt;
- Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp;
- Phối hợp với các Sở, ngành xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân;
- Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai Thác công trình thủy lợi chủ động nạo vét các kênh mương, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp. Kiên quyết không tưới những diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch và không theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông;
- Báo cáo tình hình, công tác ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi vào sáng thứ Tư hàng tuần.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
NT