Khi những làn gió bấc mang theo cái se lạnh pha chút nắng ấm của mùa xuân tràn về thì cũng là lúc những nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh tất bật, nhộn nhịp hơn. Tất cả đang hối hả bước vào vụ sản xuất, chuẩn bị đủ số lượng hàng hóa, kịp mang đến cho mọi người những sản phẩm đặc sắc của địa phương mình, góp mặt cùng thị trường trong và ngoài tỉnh.
Món bánh tráng mang theo hương vị hạt gạo quê hương về với mọi nhà làm nên những món ngon cho mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của dân tộc thêm phần ấm cúng. Vì vậy, càng gần đến tết Nguyên đán cũng là lúc các lò sản xuất bánh tráng trên địa bàn tỉnh tất bật hơn với công việc. Trong cái se lạnh của cuối đông quyện với ánh lửa bập bùng của những lò bánh tráng như đưa hương xuân về mỗi làng quê. Ở tỉnh ta hầu hết địa phương nào cũng có các hộ sản xuất bánh tráng theo phương thức truyền thống.
Người dân thôn Tri Thủy, xã Tri Hải (Ninh Hải) làm cốm phục vụ tết Nguyên đán.
Có thâm niên hơn 40 năm làm nghề bánh tráng, bà Phạm Thị Hồn, thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) chia sẻ: Tôi vẫn sử dụng lò tráng bánh thủ công, sử dụng nhiên liệu là củi, trấu, mùn cưa để tráng bánh. Bột được làm bằng 100% gạo hạt tròn sản xuất ở vùng nắng gió nên bánh tráng có độ dai, dẻo, mùi thơm đặc trưng được nhiều người ưa chuộng. Nguyên liệu đi kèm gồm mè trắng, mè đen hoặc nước cốt dừa... Để bánh được thơm, ngon người tráng cần ước đúng lượng bột, quay đều tay, biết độ chín của bánh thông qua mùi và màu sắc... Trung bình mỗi ngày, gia đình sản xuất khoảng 800-900 bánh, vào những ngày giáp Tết, số lượng có thể tăng lên gấp 2-3 lần. Bên bếp lửa đỏ hừng hực được đun bằng trấu, đôi tay của người phụ nữ tráng bánh vẫn thoăn thoắt cho bột lên khuôn là một tấm vải phẳng căng trên miệng nồi. Sau đó bột được trải đều thành hình tròn trên tấm vải, đậy nắp vung lại. Chỉ trong chốc lát, hơi nước làm chín bột thành chiếc bánh, sau đó người thợ khéo léo dùng cây đũa tre lấy bánh ra trải lên vỉ tre rồi đem đi phơi nắng. Những ngày giáp Tết, từ sáng sớm các hộ đã sáng đèn, các công đoạn tráng bánh lại bắt đầu để giữ nghề truyền thống cha ông. Không khí nhộn nhịp của bánh tráng như kéo xuân đang đến gần hơn với mọi người, mọi nhà làng nghề!
Ngày xuân trên bàn thờ gia tiên người dân miền đất nắng không thể thiếu bánh cốm trắng tinh được gói gém cẩn thận trong từng những loại giấy bóng nhiều sắc màu. Hay đơn giản từng miếng cốm được cắt thành những miếng nhỏ nằm trong khay bánh dùng để tiếp khách, gửi làm quà cho người phương xa ngày xuân. Cốm tuy bình dị, dân dã nhưng trọn vẹn hồn quê, thấm đượm ngọt ngào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề làm bánh cốm truyền thống này hiện chỉ còn được lưu giữ ở xã Phương Hải (Ninh Hải). Toàn xã hiện có 1 lò rang nổ và khoảng hơn 10 gia đình vẫn còn đóng cốm phục vụ Tết. Từ tháng 11 Âm lịch, các hộ bắt đầu rang nổ từ 2 giờ sáng. Có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chị Trần Thị Sạn, chủ lò rang nổ thôn Phương Cựu 1, xã Phương Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Nếp dùng làm cốm được chọn thật kỹ, non quá cốm sẽ bị nát; già quá thì mất đi vị béo của cốm. Nếp hạt phải sàng sảy sạch sẽ trước khi cho vào chảo lớn rang đều đến khi hạt nếp nở bung ra, trắng giòn. Để có được những bông nổ tốt, ngâm nếp trong nước, vớt những hạt lép ra, rồi mang phơi sương. Sau khi khô, nếp được đem rang cho nở bung, tạo thành những hạt to xốp gọi là nổ. Những hạt nổ bấy giờ nở xòe như những bông hoa trắng muốt, thơm lừng. Nổ được cẩn thận nhặt bỏ vỏ trấu, vỏ mày sót lại trước khi ngào đường. Đường hòa tan với nước theo tỷ lệ 1kg nổ - 0,5kg đường. Khi đường thắng “tới”, thả gừng cắt lát và thơm chín vào để giảm bớt vị ngọt của đường. Vị cay nồng của gừng hòa quyện với nếp tạo nên vị thơm, béo rất riêng. Để đóng cốm, người thợ sử dụng những khuôn gỗ hình vuông vừa phải, rỗng hai mặt, nhồi cốm vào, sau đó dùng miếng gỗ rời ép cốm thành một khối trắng ngà. Cốm sau khi ra khuôn sẽ được đem phơi nắng cho khô. Trung bình mỗi ngày chị Sạn đóng 1.000 viên cốm, vào vụ Tết số lượng thường gấp 2-3 lần ngày thường.
Ngược lên các xã vùng cao trong những ngày cận Tết, nơi đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, có nghề truyền thống đan lát lâu đời được giữ gìn qua bao thế hệ. Đối với bà con làm nghề nông nghiệp nơi đây, mỗi dịp xuân đến cũng là dịp ăn mừng mùa vụ đầu năm, bà con vẫn giữ thói quen thay mới các vật dụng như gùi, thúng, nia để cầu mong một mùa màn bội thu, sung túc. Chính vì vậy, những ngày cận Tết, người làm nghề cũng tất bật hơn để hoàn thành các công đoạn cuối cùng để gửi đến người tiêu dùng. Từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản, mộc mạc của thân cây tre, cây lồ ô được chẻ nhỏ, qua bàn tay khéo léo của người thợ biến thành những sản phẩm hữu ích, phục vụ cho đời sống hằng ngày.
Ghé thăm một hộ làm nghề đan lát tại thôn Rồ Ôn, xã Phước Hà (Thuận Nam), chúng tôi được “tận mục sở thị” các quy trình làm ra sản phẩm đan lát. Dù ở từng công đoạn nhỏ nhưng đòi hỏi người làm phải trau chuốt, tỉ mỉ, nhất là phần vót nan tre. Bởi nếu nan tre không đúng độ mỏng sẽ không uốn được họa tiết, sản phẩm làm ra không có độ bền cao. Trên đôi tay thoăn thoắt của ông Tà Thía Ca, những nan tre đã nhanh chóng thành hình các họa tiết đặc sắc làm ra chiếc gùi. Vì độ cầu kỳ nên trung bình mỗi chiếc gùi mất từ 4-7 ngày làm; thúng, rá mất từ 2-3 ngày. Hầu hết các sản phẩm làm ra đều có người địa phương đặt trước. Ông chia sẻ: Năm nay, nhờ mùa màng bội thu nên việc làm ăn của bà con cũng khắm khá. Mỗi nhà đều đầu tư sắm sửa thêm vài chiếc gùi và thúng để đi làm. Nhờ vậy những ngày gần Tết, hầu như ngày nào tôi cũng ngồi từ sáng sớm đến chập tối để đan; mong hoàn tất để chuẩn bị ăn Tết cổ truyền. Mặc dù thu nhập từ nghề đan lát không cao, nhưng tranh thủ những lúc nông nhàn ngồi đan lát cũng giúp tôi có thêm thu nhập. Tuy nhiên, người làm nghề của địa phương cũng không còn nhiều, chủ yếu là người lớn tuổi, trung niên. Nên tôi cũng rất mong làm sao thế hệ trẻ mặn mà với việc học nghề, qua đó tăng thu nhập cũng như giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, những sản phẩm truyền thống vẫn còn “góp mặt” trong từng bữa cơm, sinh hoạt gia đình càng tô điểm thêm nét ý vị, độc đáo của Tết cổ truyền. Mùa xuân không những đem theo niềm vui của sự đoàn viên mà còn mang lại sự phồn thịnh, sung túc cho mỗi hộ dân làm nghề trong tỉnh.
Duy Nam - Lê Thi