Con đường vươn tới ước mơ đầy trắc trở
Ông Hải (ba của nhà văn Kim Hòa) kể lại, năm 1984, Hòa cất tiếng khóc chào đời, khỏe mạnh, lành lặn. Biến cố xảy ra vào năm 2 tuổi, sau một cơn sốt nặng, cơ cổ và cơ tay Hòa bị liệt hoàn toàn. Suốt 5 năm trời, gia đình nỗ lực lao động, dành dụm tiền đưa Hòa đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa trị nhưng cũng chỉ giúp con hồi phục được cơ cổ và 3 ngón của bàn tay trái.
Tiếp lời chồng, bà Khoan (mẹ của Hòa) xót xa nhớ lại: Lớn lên với đôi bàn tay khuyết tật, mọi sinh hoạt đời sống cơ bản đối với Hòa là muôn vàn khó khăn. Đi học thì thường xuyên bị vấp té, trầy đầu gối. Cứ bước chân ra khỏi bàn, chỉ cần bạn đụng nhẹ một cái là Hòa té ập hết cả người xuống đất và không tự ngồi dậy được. Cứ nghĩ những viên gạch khó khăn ấy sẽ xây thành bức tường ngăn cách Hòa với xã hội ngoài kia, nhưng không, cô bé Kim Hòa khi ấy và mãi đến bây giờ chưa một lần khuất phục. Chỉ với 3 ngón tay còn có thể cử động, Hòa bắt đầu tập viết. Từ những ngày đầu chỉ một vài con chữ a-bờ-cờ đã khiến cả cánh tay nhức mỏi, căng cơ, đến nay, cũng từ 3 ngón tay ấy đã viết nên cả con người, cả cuộc sống, cả một thế giới văn chương.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (áo trắng).
Nói về cơ duyên đến với nghiệp viết, Kim Hòa cười bảo đó là sự sắp đặt của số phận. Bởi trong lúc các bạn đồng trang lứa có hẳn một thế giới bên ngoài rộng lớn thì Hòa chỉ có một góc nhà với những quyển sách, trang văn. Nuôi ước mơ trở thành nhà văn, năm cuối cấp ba, Hòa đăng ký dự thi vào Khoa Ngữ văn - Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Đọc nhiều, viết giỏi, những tưởng con đường chinh phục ước mơ của Hòa sẽ vô cùng thuận lợi thì một vụ tai nạn ngay sát ngày thi đã làm thay đổi tất cả. Không thể tham dự kỳ thi đại học, Hòa theo học kinh tế tại một trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh theo diện đặc cách, tạm gác lại đam mê viết lách. Sau 3 năm học một chuyên ngành mà mình không hề yêu thích, Hòa rời TP. Hồ Chí Minh trở về quê nhà Ninh Thuận nhưng mãi không tìm được việc làm nào phù hợp với thể trạng và nguyện vọng của mình. Trong lúc cảm thấy bế tắc với con đường nghề nghiệp mưu sinh thì một người bạn gửi con cho Hòa kèm thêm việc học. Vậy là lớp học bên gốc me sau vườn nhà khai giảng chỉ với một cô, một trò. Chính Hòa cũng không thể ngờ rằng ngay chính nơi này, con đường đến với văn chương của Hòa lại được tiếp nối. Từ một học trò duy nhất, “tiếng lành đồn xa”, ngày càng nhiều người quen, bạn bè biết và gửi con đến học. Lớp học cây me không chỉ mang lại cho Hòa niềm vui lao động, có thêm điều kiện trang trải cuộc sống mà những cô cậu học trò nhỏ với những câu chuyện, những tình huống hằng ngày tại lớp học này chính là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho các sáng tác của Hòa. Ngoài những giờ lên lớp, Hòa bắt đầu viết, viết nhiều, viết khỏe, từ đề tài thiếu nhi đến những câu chuyện về con người, quê hương Ninh Thuận và cả đề tài người lính, chiến tranh...
Thành quả từ nỗ lực vượt qua số phận
Hơn 14 năm viết lách, Kim Hòa có hẳn một gia tài văn chương đồ sộ với 15 đầu sách đã được xuất bản, trong đó có gần một nửa là sách thiếu nhi. Ngoài ra, Hòa còn được đặt hàng 5 bài văn ngắn để đưa vào sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới. Những giải thưởng văn học thì nhiều vô số kể, tiêu biểu như giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013-2014; giải Nhất Cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch năm 2013-2015... Vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015; được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 20 người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021; Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải thưởng “Nhà văn nữ ấn tượng” năm 2022; đặc biệt, năm 2023 là một dấu mốc không thể quên trong suốt cuộc đời Kim Hòa khi xuất sắc trở thành một trong 67 điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được gặp mặt và báo công với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những giải thưởng lớn, uy tín liên tiếp đến là thành quả cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của nữ nhà văn khuyết tật Kim Hòa. Như ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng chia sẻ: Chúng tôi trao giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng cho Nguyễn Thị Kim Hòa không chỉ là ghi nhận, tôn vinh riêng cá nhân tác giả mà chúng tôi còn mong muốn trao niềm hy vọng cho những người đang sống, đang thấy tuyệt vọng, đang thấy thất vọng trong đời sống hiện nay khi nhìn thấy khát vọng của Hòa, cách Hòa không ngừng vươn về phía trước sẽ cảm thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn rất nhiều khi dám vượt qua số phận vươn đến ước mơ.
Từ xuất phát điểm là một người yếu thế trong xã hội, những năm qua, Kim Hòa tích cực sẻ chia và lan tỏa tình yêu thương đến cộng đồng, nhất là những số phận kém may mắn trong cuộc sống. Dù sức khỏe không tốt, Hòa vẫn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như hỗ trợ kiến thức cho các em học sinh khó khăn; tổ chức các hoạt động giao lưu, trò chuyện để truyền cảm hứng sống và tình yêu văn học cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; vận động nguồn sách trao tặng cho một số thư viện trường học, góp phần lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong học đường; là thành viên Quỹ học bổng Nguyễn Hiến Lê; tham gia các hoạt động của chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Ninh Thuận; hỗ trợ truyền thông cho chương trình “Bếp ăn 0 đồng” ủng hộ các khu cách ly ở Ninh Thuận trong giai đoạn dịch COVID-19... Ông Phạm Văn Muộn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Chúng tôi may mắn vì có một nhà văn Kim Hòa đầy nhiệt huyết, đam mê và cống hiến. Hòa đã trở thành biểu tượng cho sự vươn lên, vượt qua số phận để chinh phục, cống hiến và lan tỏa.
Trong những buổi giao lưu, trò chuyện truyền cảm hứng cho các em học sinh, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa nhiều lần chia sẻ: Trong cuộc sống, ai cũng cần có một cái đích để đi về phía trước, không quan trọng là bạn đi chậm như thế nào, miễn là bạn không dừng lại trước những khó khăn. Giờ đây, trên con đường về đích ấy, có thể vì di chứng bại liệt, Hòa vẫn chẳng thể đi nhanh hơn, khó khăn thì có thể vẫn còn phía trước, nhưng bên cạnh Hòa lúc này có sự đồng hành của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, độc giả và những cô cậu học trò nhỏ của lớp học cây me. Ai đó đã từng nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Đích đến dù xa, nhưng giờ đây, khi không còn đơn độc, Kim Hòa hoàn toàn có thể chinh phục hành trình này, tiếp tục được sống với đam mê, chia sẻ yêu thương với mọi người và lan tỏa những điều tích cực trong xã hội, truyền động lực cho những “vầng trăng khuyết” như chị tỏa sáng trong đêm.
Năm 2023 là một dấu mốc không thể quên trong suốt cuộc đời Kim Hòa khi xuất sắc trở thành một trong 67 điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được gặp mặt và báo công với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Minh Thương