Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), các ngành, địa phương đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Công tác giải ngân nguồn vốn các chương trình từng bước được tháo gỡ có chuyển biến tích cực, tạo đà cho bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả trong thời gian tới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 tổng vốn đầu tư công giải ngân để thực hiện 2 chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và phát triển kinh KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) là trên 572 tỷ đồng. Cụ thể, chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 được bố trí gần 167,3 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án thành phần của chương trình, như: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình. Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN được phân bổ 404,4 tỷ đồng để tổ chức thực hiện 10 dự án thành phần. Qua triển khai, các ngành, địa phương đã giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt trên 90% kế hoạch; trong đó, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt trên 81%; chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt trên 92%. Trong khi đó, trung bình cả nước đến ngày 15/12/2023 mới giải ngân đạt 62% kế hoạch. Ninh Thuận được đánh giá thuộc tỉnh nằm top trên bình quân cả nước có tỷ lệ giải ngân trên 85%.

Phát triển chăn nuôi gia súc giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Thuận Bắc vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.K

Đồng chí Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Qua triển khai các chương trình, hạ tầng tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới; các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo; thu nhập người dân được nâng lên, môi trường nông thôn được cải thiện. Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, thu nhập ổn định. Việc đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN đã tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động của chương trình, tăng thu nhập thông qua tạo việc làm trong đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các chương trình MTQG còn nổi lên một số hạn chế, khó khăn, đó là: Một số nội dung thuộc Dự án 3, Dự án 9 của chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; Dự án 4 của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chưa được thực hiện do thiếu cơ sở pháp lý, không có đối tượng để thực hiện. Việc huy động đóng góp của nhân dân để thực hiện chương trình trên địa bàn các huyện nghèo cũng rất khó khăn. Cán bộ phụ trách thực hiện các chương trình MTQG ở các địa phương chủ yếu kiêm nhiệm nhiều việc; chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ để khích lệ, động viên cán bộ nên vấn đề tham mưu thực hiện các chương trình chưa cao, thiếu chiều sâu.

Năm 2024, kế hoạch vốn thực hiện 2 chương trình MTQG đã được phân bổ với tổng nguồn hơn 484,07 tỷ đồng. Trong đó, vốn chương trình giảm nghèo bền vững 171,261 tỷ đồng, vốn chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN 312,812 tỷ đồng. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đang tham mưu UBND tỉnh để triển khai giao vốn cho các sở, ngành và địa phương đảm bảo đúng thời gian theo quy định.

Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các chương trình MTQG, nhất là đối với những chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thường trực từng chương trình chủ động phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra việc giải ngân của các chủ chương trình, dự án; có giải pháp, kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương cần bám sát chủ trương, chính sách, thực hiện đồng bộ giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình MTQG; kịp thời theo dõi kết quả, xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm với các địa phương có kết quả triển khai thực hiện tốt để có cơ chế áp dụng phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương mình; cùng trao đổi kinh nghiệm, thống nhất cách hiểu, cách làm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG. Tiếp tục rà soát, kiến nghị các bộ, ngành trung ương về khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Chuẩn bị tốt công tác hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các chương trình MTQG để đảm bảo việc giao chi tiết có thể tiến hành ngay sau khi được UBND tỉnh giao kế hoạch vốn.