Đồng chí Trần Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Trong năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực phối hợp, nỗ lực triển khai thực hiện tốt các nội dung trọng tâm của Chương mục tiêu quốc hia xây dựng NTM, như: Hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đào tạo nghề, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, nguồn vốn thược hiện chương trình được tỉnh phân bổ kịp thời, cùng với nguồn vốn huy động đã giúp các xã chủ động hơn trong thực hiện đảm bảo đạt kết quả.
Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) trồng rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao.
Với quyết tâm nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, huyện triển khai nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù khu vực miền núi, tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh từng vùng, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, hình thành các mô hình sản xuất mang tính ổn định lâu dài, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân đồng tình hưởng ứng tham gia. Tiêu biểu như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với hơn 1.300ha; nhân rộng 4 cánh đồng lớn sản xuất lúa, quy mô 288,6ha; mô hình trồng mãng cầu dai 28ha, trồng cây nha đam 22ha, tưới nước tiết kiệm trên rau màu 10ha. Cùng với đó, huyện tổ chức quy hoạch ổn định vùng chuyển đổi cây trồng, đầu tư hệ thống kênh mương, điện phục vụ sản xuất hiệu quả. Chỉ tính riêng trong vụ đông - xuân 2023 - 2024, toàn huyện thực hiện chuyển đổi 44,2ha cây trồng, nâng tổng diện tích chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả, vùng gò đồi lên 580ha; nhiều mặt hàng nông sản sau khi thu hoạch có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo sự phấn khởi cho nông dân. Hoạt động chăn nuôi có bước tăng trưởng khá, với tổng đàn gia súc có gần 46.000 con, đàn gia cầm 150.000 con, hàng chục mô hình chăn nuôi được triển khai và nhân rộng, phát huy hiệu quả như: Mô hình nuôi bò, dê, cừu sinh sản, heo đen bản địa, gà thả vườn, giúp cải thiện đáng kể đời sống người dân.
Trong năm 2023, từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ, UBND tỉnh phân bổ kinh phí hơn 43 tỷ đồng và vốn huy động 216 triệu đồng từ nhân dân, huyện thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, công trình thủy lợi, lưới điện, cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa. Nhờ đó, tỷ lệ đường giao thông tại các xã được tráng nhựa hoặc bê tông đạt 100%, hơn 80% diện tích canh tác chủ động nước; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng lưới điện quốc gia trên 98%... tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, các tiêu chí đạt được trong năm 2023 đã thể hiện sự linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như: Công tác huy động nguồn lực trong dân khá thấp, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ở một số hạng mục.
Năm 2024, huyện Thuận Bắc phấn đấu bình quân đạt 17,5 tiêu chí NTM/xã. Huyện đề ra các giải pháp tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Huy động nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm từng nhóm tiêu chí, nhất là nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Hồng Lâm