Công việc thường ngày của những nhân viên gác chắn là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận giờ tàu qua để đồng nghiệp ca sau tiện theo dõi, sau đó canh giờ kéo thanh chắn để bảo đảm đoàn tàu chạy qua không có cản trở hay tai nạn nào. Nghe đơn giản nhưng công việc nào cũng có vất vả riêng mà không phải ai cũng hiểu.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh ta dài 61km (từ Km1378+200 thuộc xã Công Hải (Thuận Bắc) đến Km1439+200 thuộc xã Cà Ná (Thuận Nam), gồm 11 trạm gác chắn đường sắt. Bất kể thời tiết, ngày lễ, Tết hay Chủ nhật, các nhân viên gác chắn đường ngang phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 12 tiếng, mỗi tháng làm 11 ngày và 11 đêm. Tại mỗi trạm gác chắn cần đảm bảo đủ quân số hai người cho một lần lên ban, nếu nhân viên vắng, thiếu phải có biện pháp bổ sung ngay. Khi đã lên ban thì tuyệt đối không được rời trạm gác hoặc ngủ. Ngày cũng như đêm, mỗi khi có đoàn tàu sắp chạy qua, những nhân viên gác tàu lại nhanh chóng đứng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người dân đi qua lại. Tuy không phải là việc nặng nhọc nhưng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài ra, người trực gác chắn còn có thêm nhiệm vụ như bảo dưỡng đường ray và giàn chắn, đồng thời quản lý và bảo trì đường sắt hai bên chắn, giữ vệ sinh và đảm bảo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trong khu vực trạm gác 50m.
Nhân viên trạm gác chắn Tháp Chàm vào vị trí và làm tín hiệu đón tàu qua đường ngang.
Đối với mỗi nhân viên trạm gác, người bạn thân thiết chính là chiếc điện thoại bàn và sổ ghi chép. Nếu trực đêm thì nhân viên gác chắn tuyệt đối không được ngủ, bởi thời điểm này thường có tàu chờ hàng, giờ chạy lại không cố định nên phải luôn tỉnh táo để trực. Do đặc thù công việc nên nhiều người hay nói vui là lúc trực tàu không dám ngủ là nguyên tắc, nhưng có cho ngủ cũng chẳng thể chợp mắt được.
Trung bình mỗi ngày có trên 20 chuyến tàu qua lại, công việc thêm phần nhọc nhằn vào các dịp lễ, Tết vì lượng tàu tăng hơn bình thường với khoảng 40-50 chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy vất vả nhưng họ vẫn rất lạc quan, làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm đối với công việc của mình.
Chị Nguyễn Thị Oanh, nhân viên Trạm gác chắn Tháp Chàm, đã gắn bó với nghề được 13 năm tâm sự: Nghề nào cũng có áp lực riêng, nhưng với nhân viên trạm gác chắn là mỗi khi lên ban, đòi hỏi mình cần tinh thần trách nhiệm cao. Thấu hiểu được điều đó, công ty quan tâm chế độ lương thưởng, đời sống công nhân viên ổn định nên tôi có thêm động lực để bám trụ với nghề. Dẫu có người còn rất trẻ, cũng có những người đã có gia đình và không ít người có thâm niên nghề nghiệp trên chục năm nhưng tất cả họ đều xác định đã theo nghề là hy sinh một phần cuộc sống vì công việc. Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, nhân viên Trạm gác chắn Tháp Chàm vui vẻ: Cứ mỗi dịp lễ, Tết chị em lại phân công nhau trực gác, có khi đón giao thừa ở trạm luôn, nhờ chồng con và gia đình cũng hiểu, nên giúp mình làm hoàn thành tốt công việc.
“Vì mỗi chuyến tàu qua, vì hạnh phúc muôn nhà”, công việc của họ vẫn cứ thầm lặng như vậy. Để rồi gác lại những niềm vui chung, những bữa cơm tối không được quây quần vui vẻ bên gia đình, bất kể nắng, mưa hay gió rét, họ vẫn ngày đêm miệt mài bên những thanh gác chắn, để những chuyến tàu xuôi ngược được bình yên.
Anh Thi