Ninh Phước là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, tận dụng lợi thế về tiềm năng đất đai, nguồn nước dồi dào, huyện tập trung quy hoạch, phát triển mạnh những cây trồng có lợi thế. Từ kinh phí hỗ trợ của tỉnh cùng với định hướng của chính quyền địa phương, bà con canh tác theo quy trình áp dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, mở ra hướng đi mới trong việc “sạch hóa” mặt hàng nông sản, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Gia đình anh Nguyễn Ca, ở thôn Bảo Vinh, xã Phước Vinh là một trong những nông hộ thành công với mô hình trồng rau sạch, đem lại giá trị kinh tế cao. Anh Ca chia sẻ: Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật, tôi tự thiết kế và lắp đặt hệ thống nhà màng kết hợp tưới nước tự động trên diện tích hơn 1 sào. Bằng phương pháp này giúp các loại cải ngọt, xà lách, mồng tơi... sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, đặc biệt là giảm được công lao động và có thể trồng quanh năm do kiểm soát được yếu tố môi trường. Mô hình trồng rau sạch của anh Ca được nhiều nông dân tại địa phương tham quan, học hỏi và được xã định hướng nhân rộng trong thời gian đến.
Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng công nghệ cao
tại huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên
Sản xuất nông nghiệp sạch gần đây ngày càng phát triển cả về quy mô diện tích cũng như năng suất và chất lượng, với sự tham gia của các doanh nghiệp, một số sản phẩm tiềm năng ở từng địa phương được khai thác, biến hằng trăm ha đất canh tác kém hiệu quả trở thành vùng đất có giá trị. Điển hình như Công ty TNHH Seagull Ninh Thuận đầu tư xây dựng trang trại, cải tạo đất trồng 120ha dưa lưới, nhãn, xoài, chà là ở xã Phước Dinh (Thuận Nam)... Từ ứng dụng công nghệ nhà màng, áp dụng điều khiển vi khí hậu trong sản xuất, giúp điều chỉnh lượng nước tưới, độ ẩm, nhiệt độ, lượng phân bón nên năng suất cây trồng đạt cao; đặc biệt, sản phẩm dưa lưới của công ty được tiêu thụ rộng khắp ở các siêu thị trong nước và xuất khẩu, doanh thu mỗi năm đạt từ 120-130 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 120 lao động địa phương. Anh Nguyễn Thanh Thuận, Giám đốc công ty, phấn khởi chia sẻ: Tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ ngành chức năng, chính quyền địa phương, đây là động lực để công ty mở rộng thêm diện tích 9ha trong thời gian tới.
Xu hướng phát triển nông sản sạch gắn liền với xây dựng thương hiệu, uy tín là hết sức cần thiết trong bối cảnh có sự cạnh tranh gây gắt đối với thị trường nông sản hiện nay. Xác định rõ mục tiêu này, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện đảm bảo các tiêu chí sản xuất sạch. Theo đó, ngoài quan tâm đầu tư các hệ thống công trình thủy lợi; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; nhiều chính sách thu hút được quan tâm triển khai trong thời gian qua đã góp phần tạo ra nhiều sản phẩm nông sản chất lượng. Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, hình thành và phát triển các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh xây dựng đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại khu vực tưới thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, với quy mô khoảng 4.000ha. Đồng thời, phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố và các đơn vị có liên quan lựa chọn, một số giống nho mới đang trồng khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi để nhân rộng, giúp người trồng nho nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tập trung thu hút doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết với hợp tác xã, người dân sản xuất các sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đối với quy trình trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ...
Đến nay, toàn tỉnh có 37 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động, trong đó có 18 dự án trồng trọt; có gần 580ha nho, táo, cây ăn quả, dưa lưới... được chứng nhận VietGAP và hơn 2.600ha được chứng nhận hữu cơ, chủ yếu là măng tây xanh, nha đam, điều. Cùng với đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, công nghệ sinh học, vi sinh được áp dụng đại trà tại các địa phương; thúc đẩy giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 143,8 triệu đồng/năm; riêng nông nghiệp ứng dụng CÔNG NGHỆ CAO đạt 938 triệu đồng/ha/năm; sản phẩm dưa lưới và nho đạt hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Đăng Khôi