“Kho báu” giữa đại ngàn
VQG Phước Bình có tổng diện tích khoảng 25.000ha, nằm ở sườn Đông của cao nguyên Đà Lạt, trải dài từ độ cao 300-2.000m so với mặt nước biển nên có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây có các giá trị đa dạng sinh học cao về cảnh quan thiên nhiên với 6 kiểu thảm thực vật chính và 8 kiểu phụ. Theo đánh giá của các nhà khoa học, số lượng kiểu thảm thực vật của VQG Phước Bình đa dạng vào bậc nhất so với các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan VQG Phước Bình, ông Nguyễn Khánh Bảo, Giám đốc Trung tâm giáo dục và dịch vụ môi trường rừng của VQG Phước Bình cho biết: VQG Phước Bình có 80% diện tích là rừng tự nhiên, được các nhà khoa học đánh giá là mẫu chuẩn hệ sinh thái đặc trưng cho rừng khô hạn của tỉnh. Là địa điểm lý tưởng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn và đa dạng sinh học ở cả 3 cấp độ: Đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen. Có nhiều loài đặc hữu của vùng bán đảo Đông Dương và Việt Nam, trong đó có một số loài đặc hữu của Ninh Thuận. Toàn vườn hiện có hệ động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loại thuộc hàng quý hiếm, được ví như “kho báu” giữa đại ngàn Phước Bình.
Ảnh: D.L
Theo khảo sát mới nhất, VQG Phước Bình hiện có 1.338 loài thực vật; trong đó có 172 loài quý hiếm, 60 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 58 loài được ghi trong Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật của vườn đa dạng với 347 loài; trong đó có 110 loài quý hiếm, 64 loài được ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam, 50 loài có tên trong IUCN. Đặc biệt, nơi đây có 4 loài thú đặc hữu Đông Dương đang được thế giới quan tâm gồm: Vượn má hung, chà vá chân đen, cầy vằn bắc và mang lớn. VQG Phước Bình còn được công nhận là một trong 63 vùng chim, nơi có số lượng bò tót và nai nhiều nhất so với các VQG, các khu bảo tồn trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam hiện nay. Cụ thể, hệ thực vật hiện có 156 họ, 584 chi, 1.225 loài với nhiều loài quý hiếm như: Pơ mu, thông lá dẹt, cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ... Ngoài ra còn có 327 loài động vật thuộc 94 họ, 28 bộ; trong đó có 69 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN. Một số loài thú đang bị đe dọa trên toàn cầu như: Vượn má hung, sơn dương và có cả các loài chim sinh sống như: Trĩ sao, trẹo cây mỏ vàng, khướu đầu đen má xám, khướu mỏ dài, hồng hoàng, sẻ thông họng vàng, là một trong 63 vùng chim quan trọng nhất của Việt Nam đang sinh sống ở VQG Phước Bình.
Ngoài tác dụng bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Phước Bình còn góp phần nâng cao năng lực phòng hộ đầu nguồn và tiếp nước cho hệ thống Sông Cái. Những công trình thủy lợi ở đây phục vụ cho đời sống người dân, các hoạt động tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng...
Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
Với tài nguyên, cảnh quan đa dạng, độc đáo, hiện Ban Quản lý VQG Phước Bình đang đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch (DL), tour, tuyến hấp dẫn như: Tham quan, khám phá vườn thực vật, đập Gia Nhông, thác Đuôi Rồng, thác Đá Bàn, thác Ba Tầng; tham quan rừng nguyên sinh, chèo thuyền trên suối ngắm cảnh; đi bộ trong rừng quan sát một số loài linh trưởng và tìm hiểu nhiều cây thuốc, lan rừng quý hiếm; tham quan trang trại bò tót. Trên hành trình khám phá Phước Bình, du khách không bỏ lỡ cơ hội tham quan trận địa “bẫy đá Pi Năng Tắc” đã đi vào lịch sử; tham quan làng văn hóa Raglai; thưởng thức ẩm thực bản địa với thịt nướng, cơm lam, uống rượu chuối hột rừng Phước Bình nổi tiếng.
Hiện nay, ngành DL và các cơ quan chức năng đã và đang đưa VQG Phước Bình thành điểm DL cộng đồng độc đáo. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển DL sinh thái, cũng như tạo lập sinh kế cho người dân bản địa, thông qua việc tham gia hướng dẫn các tour DL sinh thái - văn hóa - lịch sử, trải nghiệm văn hóa để nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào Raglai. Điểm nhấn của mô hình DL này là du khách sẽ có dịp trải nghiệm vườn bưởi da xanh, thưởng thức các tiết mục văn hóa, văn nghệ và ẩm thực hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc Raglai.
Theo UBND xã Phước Bình, hiện toàn xã đã có 30 hộ đầu tư gần 50 nhà sàn, gắn với vườn cây ăn quả để làm DL; hình thành 3 đội văn nghệ dân gian ở các thôn Bố Lang, Hành Rạc 1 và Hành Rạc 2, thôn Bậc Rây 2 thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách. Phát huy thế mạnh là vùng trồng bưởi tập trung lớn nhất của tỉnh và được người tiêu dùng ưa chuộng bởi sản phẩm sạch, chất lượng cao. Đến nay, Phước Bình đã nhân rộng diện tích trồng bưởi da xanh gần 200ha, năng suất 2 tấn/ha/tháng và giá trị bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm. Qua đó từng bước giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống để vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Phước Bình cho biết, đơn vị đang tập trung triển khai đề án phát triển DL sinh thái gắn với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, các loài động vật, thực vật bản địa, quý hiếm. Cùng với đó, Ban Quản lý vườn phối hợp với địa phương xây dựng các chương trình hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, không ngừng cải thiện đời sống cho người dân vùng đệm để giảm áp lực đối với tài nguyên thiên nhiên.
Với tiềm năng, lợi thế cùng các chủ trương, chính sách hợp lý, VQG Phước Bình sẽ là điểm đến DL sinh thái hấp dẫn của du khách. Qua đó, tạo sinh kế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần đưa DL Ninh Thuận sớm thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến với VQG Phước Bình vào mùa xuân này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sức sống, tìm hiểu đa dạng sinh học, để hiểu thêm về vẻ đẹp và giá trị của VQG Phước Bình.
Anh Tuấn