Gìn giữ, bảo tồn gốm Chăm

Khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, cộng đồng người Chăm tại làng nghề gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) đều vui mừng và phấn khởi.

Về làng gốm vào những ngày cuối năm, đến với những cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) gốm và ghé thăm từng ngôi nhà của người dân, nhà nhà, người người trong làng nghề tất bật chạy đua với thời gian cùng những đơn hàng Tết. Trong sắc gốm rực rỡ ấy đã tô điểm cho muôn nhà thêm xuân hơn.

Nghệ thuật làm gốm khác biệt, độc đáo

Đến HTX gốm Chăm Bàu Trúc, được trò chuyện và tận mắt chứng kiến công đoạn làm gốm mới thấy được sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì của các bà, các mẹ, các chị trong làng nghề. Không một giấy bút, bản vẽ, vậy mà ngày ngày, những thợ gốm liên tục cho ra những mẫu gốm mới, không trùng lặp. Mỗi người một công đoạn, tất cả đều làm thủ công, người thì pha trộn đất tạo nguyên liệu, người thì nhào nặn tạo hình thù gốm, người thì chà láng, vẽ hoa văn... các công đoạn làm gốm tạo nên sự đồng điệu, nhịp nhàng. Đã có hơn 30 năm trong nghề được “mẹ truyền con nối”, chị Đàng Thị Nhấn đang bận rộn nhồi đất bằng chân cho hay: Gốm Bàu Trúc thường được cấu thành bởi đất sét và cát mịn, đất sét được lấy từ những ruộng lúa nằm bên bờ Sông Quao cách làng Bàu Trúc khoảng 4km về phía Tây Bắc. Sau khi ngâm đủ thời gian sẽ lấy đất lên tiếp tục trộn với cát mịn rồi nhồi bằng chân hoặc nhồi bằng tay, như vậy đất sẽ được trộn đều, có độ dẻo và kết dính, tạo thành phiên bản hoàn chỉnh của nguyên liệu làm gốm.

Nghệ nhân làng nghề Bầu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) chế tác gốm.
Ảnh: Sơn Ngọc

Điều làm nên sự khác biệt của nghệ thuật làm gốm ở làng Bàu Trúc còn là phong cách làm gốm không sử dụng đến thiết bị bàn xoay tự động. Vì thế người thợ làm gốm phải di chuyển quanh bàn làm gốm để tạo hình vào nhào nặn gốm theo hình thù mà mình mong muốn. Sản phẩm càng cầu kỳ, càng nhiều chi tiết hoặc kích cỡ càng lớn thì thời gian di chuyển, xoay vòng càng nhiều. Ngoài ra, gốm Bàu Trúc còn đặc biệt ở chỗ, mỗi sản phẩm đều được làm hoàn toàn thủ công dưới đôi bàn tay của người thợ và mỗi sản phẩm khi ra lò luôn là "độc bản". Tính “độc bản” được thể hiện ở chỗ cho dù có cùng chủng loại sản phẩm nhưng sẽ không có chiếc nào giống y hệt chiếc nào, như cách làm đúc bằng khuôn cho ra hàng loạt. Giữa các sản phẩm luôn có sự khác biệt nhất định, phụ thuộc vào cảm hứng sáng tác của người thợ. Do vậy, mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc chất chứa đầy ắp tình yêu với nghề cổ truyền, tâm huyết, sự tinh tế và khéo léo của những người phụ nữ Chăm. Bởi dụng cụ tạo hoa văn trên sản phẩm gốm Bàu Trúc, nếu ai từng chứng kiến cũng sẽ hết sức ngạc nhiên vì đó chỉ là vỏ sò, nắp chai, hòn đá... Những thứ tưởng như bỏ đi ấy, vậy mà qua trí tưởng tượng phong phú, đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của người thợ đã tạo nên những hoa văn hình hoa may, hình học, răng cưa, hoa sen, sóng nước hay ngọn lửa, hoa, lá, hình con sâu, động vật... đẹp mắt và độc đáo. Cùng với đó, cái đẹp của gốm Bàu Trúc không chỉ đến từ lịch sử hàng trăm năm của nghệ thuật làm gốm mà còn đến từ những tinh hoa độc đáo của kỹ thuật nung, tạo màu cho gốm. Người thợ gốm lấy nguyên liệu để tạo nước màu bằng vỏ cây rừng, trái dông và vỏ hạt điều. Tất cả được ngâm trong chum sau một tháng sẽ có màu đỏ nâu tự nhiên. Khi gốm vừa ra lò, dùng nước màu này để rắc trực tiếp lên gốm.

Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc, cho biết: Ngoài gốm truyền thống, để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dùng đương đại, HTX còn đẩy mạnh phát triển dòng gốm mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao như: Đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lục bình, tháp nước, lọ hoa, bình nước, bình trà, tượng thần Siva, vũ điệu Apsara độc đáo... Trên cơ sở tiếp nhận cái mới mang tính chọn lọc, thì có nhiều kiểu dáng, mẫu mã thay đổi, nhưng từ kỹ thuật và quy trình tạo ra thành phẩm, HTX vẫn bảo lưu nguyên vẹn theo lối thủ công truyền thống từ xa xưa. Đặc biệt, khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đã giúp gốm Chăm được thế giới biết đến nhiều hơn, sản phẩm đặt hàng cũng tăng hơn, có mặt ở các nước Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ... Như dịp Tết này, HTX đã nhận đơn đặt hàng với hơn 4.000 sản phẩm, hiện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bàn giao cho khách trước Tết...

Gìn giữ, phát triển nghề truyền thống

Gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật làm gốm Chăm không chỉ ở việc tạo ra sản phẩm với những phiên bản truyền thống, mà ở đó còn là những cuộc trao truyền đầy tâm huyết, giúp con cháu tiếp nhận giá trị truyền thống mà tổ tiên để lại. Tuổi về già, trước khi nghỉ ngơi, bà Trương Thị Hợi đã truyền lại toàn bộ kinh nghiệm làm gốm cho hai con gái. Giờ đây, cả hai người con gái của bà ai cũng thạo nghề và tâm huyết với nghề gốm gia truyền. Dù đã 80 tuổi, nhưng những ngày nông nhàn, bà đều phụ con gái làm gốm, bà Hợi chia sẻ: Sau bao nhiêu khó khăn, thăng trầm, cuối cùng cái nghề của dân tộc mình cũng được công nhận là di sản, bà con ai cũng vui mừng lắm. Sự kiện này như tiếp thêm sức mạnh cho tôi quyết tâm nỗ lực truyền nghề, bảo ban con cháu có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ nghề gốm cho mình và cho thế hệ mai sau. Ngoài việc truyền dạy kỹ thuật làm đồ gốm gia dụng như: Niêu, chảo, hỏa lò, cách vẽ hoa văn giữ hồn cốt, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Chăm để lưu dấu đậm nét trên từng sản phẩm, tôi còn hướng dẫn các con, cháu làm gốm mỹ nghệ nhằm phát triển làng nghề.

Du khách tham quan sản phẩm gốm
tại Làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: V.Nỷ

Không chỉ truyền nghề cho các chị, mà nhiều thanh niên Chăm trong làng gốm Bàu Trúc cũng đã bắt đầu đam mê nghề gốm theo một lối đi riêng, chuyên sáng tạo những bức tượng, những phù điêu đậm chất văn hóa Chăm. Chỉ mới 19 tuổi, nhưng em Đàng Tuấn Khang chẳng nhớ nổi trong những năm qua mình đã làm được bao nhiêu sản phẩm gốm Chăm, chỉ biết rằng mỗi sản phẩm làm ra đều bằng đôi bàn tay của sự tâm huyết và lòng yêu nghề. Bởi trước đây khi còn nhỏ, cứ sau buổi học trên trường, thời gian còn lại của em đều đến HTX làm gốm và khi 15 tuổi em đã là thợ gốm lành nghề. Em Khang chia sẻ: Từ nhỏ, gia đình thấy em đam mê làm gốm nên đã tạo điều kiện, chỉ dạy cho em làm nghề và đến hôm nay em vẫn rất thích nghề làm gốm này, theo đuổi đam mê làm nghề còn giúp em có nguồn thu nhập. Em cũng nhận thấy rằng, thế hệ trẻ chúng em hôm nay càng có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống. Bởi vậy em luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để tạo ra sản phẩm ấn tượng hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng vẫn với cách làm truyền thống và vẫn giữ cái hồn của gốm Chăm. Ông Đàng Chí Quyết, Trưởng khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết: Địa điểm hoạt động của Ban Quan lý đặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng với 40 thành viên tham gia. Họ chính là hạt nhân quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nghệ thuật làm gốm truyền thống, đồng thời không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, có hoa văn đẹp mắt, nhất là hoa văn cổ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay làng nghề gốm Bàu Trúc cũng đang đứng trước khó khăn, thách thức, khi nghệ nhân gốm được phong tặng Nghệ nhân ưu tú trên địa bàn đã qua đời vì tuổi cao sức yếu. Cộng đồng làng nghề gốm Bàu Trúc hy vọng chính quyền địa phương rà soát thông tin, phong tặng Nghệ nhân ưu tú cho người đủ tiêu chuẩn, vì họ sẽ góp phần “thổi hồn” truyền cảm hứng, truyền nghề cho lớp trẻ và mở các lớp đào tạo nghề làm gốm; quy hoạch chỗ lấy đất sét để tránh tài nguyên sau này bị cạn kiệt; rà soát vị trí đất và quy hoạch bãi nung gốm.

Chia tay làng gốm Bàu Trúc, chúng tôi mang theo nhiều kỳ vọng vào một năm mới với nhiều thành công mới trên con đường gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của bà con nơi đây.

Hiện nay làng gốm Bàu Trúc có 2 HỢP TÁC XÃ sản xuất, kinh doanh gốm, 1 công ty, 30 cơ sở sản xuất với hơn 200 hộ gia đình sản xuất gia công. Trong nỗ lực gìn giữ, bảo tồn gốm Chăm, chính quyền địa phương cũng đã thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng làng nghề gốm Bàu Trúc.