Bằng tài năng, trí tuệ, khát vọng của mình, nhiều bạn trẻ với các xuất phát điểm khác nhau đã chọn mảnh đất Ninh Thuận “lắm nắng, nhiều gió” làm nơi tôi luyện cũng như hiện thực hóa ước mơ của bản thân.
Chinh phục chính mình
Anh Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1989), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông, xã Thanh Hải (Ninh Hải) là cái tên quen thuộc trong cộng đồng “startup” Việt qua nhiều cuộc thi cũng như giải thưởng lớn như: Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021, 2023 do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng; giải Nhất Cuộc thi đổi mới sáng tạo ngành Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2022; startup gọi vốn thành công tại Chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ... và mới đây nhất là Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII năm 2023 được Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức vinh danh các “nhà nông trẻ” xuất sắc, có thành tích nổi bật trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp, sản xuất.
"Uớc mơ sẽ mãi chỉ là ước mơ nếu chúng ta không có những hành động để hiện thực hoá nó."
Anh Ngọc cho biết, để đánh bại xuất phát điểm thấp, hơn 10 năm trời “quên ăn, quên ngủ”, bản thân nỗ lực tích lũy vốn và kinh nghiệm từ kinh doanh đa ngành nghề ở gần hầu hết các tỉnh, thành trên bản đồ hính chữ S, đến cuối năm 2019, trên cơ sở nhận diện thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, anh cùng các đồng sự mạnh dạn thành lập Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông, chuyên thu mua và vận chuyển mực nhảy (trạng thái con mực còn bơi lội) từ Biển Đông đến tận tay người tiêu dùng tại các thị trường tiêu thụ khu vực phía Nam. Ấy vậy mà ý tưởng hợp tác tưởng chừng đơn giản về việc đánh bắt và đưa mực sống về bờ bị các chú, bác ngư dân các tỉnh ven biển từ chối thẳng thừng, vì mực là một trong những loại hải sản có đặc tính khó bảo quản sau khai thác. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”, sau hàng chục lần thuyết phục, tìm hiểu và thử nghiệm thất bại, một cái lồng bể riêng biệt cùng thiết bị sục khí độc quyền đã ra đời tại các thuyền đánh bắt mực của ngư dân cũng như trên xe tải vận chuyển, thành công đưa mực hoàn toàn tươi sống đến tay khách hàng, mang lại nhiều giá trị kinh tế.
Anh Nguyễn Bá Ngọc nhân giống nuôi mực biển tại vùng nuôi C3 thuộc xã Thanh Hải (Ninh Hải). Ảnh: V.Nỷ
Ở đâu đó người ta vẫn nói, ước mơ sẽ mãi chỉ là ước mơ nếu chúng ta không có những hành động để hiện thực hoá nó; khi các đơn đặt hàng quá tải, Ngọc nghĩ ngay đến việc phải chủ động nguồn cung sản phẩm “mực sống” cho thị trường. Nghĩ là làm, đầu năm 2021, Ngọc giao quyền kinh doanh đang “ăn nên làm ra” cho các cộng sự; khăn gói về vùng biển Thanh Hải (Ninh Hải) “nếm mật nằm gai”, dồn toàn lực vào việc nghiên cứu, thí điểm nhân giống mực. Và “quả ngọt” đã đến, Ngọc chính thức nuôi thành công 40.000 con mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên tại vùng biển thuộc khu vực C3 (Ninh Hải), thu về lợi nhuận trên 1 tỷ đồng trong năm 2023.
Hướng mắt về những chiếc lồng tròn được làm bằng nhựa HDPE có đường kính trên 60m vừa lắp ráp hoàn thiện nằm xếp lớp tại bờ biển Hòn Đỏ, sẵn sàng cho giai đoạn nhân rộng mô hình ở quy mô lớn hơn và tương lai xa là phát triển hẳn một hệ sinh thái sản phẩm chuyên về mực, Ngọc cho rằng bản thân đã chinh phục được chính mình vì lòng tự hào và trách nhiệm với quê hương xứ sở chứ không chỉ đơn thuần vì mục đích kinh tế. Với phương châm không “ngủ quên trên chiến thắng”, Ngọc tin rằng mình sẽ sớm hiện thực hóa giấc mơ nâng cao giá trị kinh tế cho ngành nuôi biển Việt Nam, cũng như nỗ lực làm cầu nối vững chắc trong việc chuyển đổi nghề cho ngư dân, đánh bắt bền vững và bảo vệ hệ sinh thái biển.
Khơi nguồn cảm hứng
Gặp Lê Minh Vương (sinh năm 1992) sau buổi giao lưu với thanh niên và nông dân tại Làng Thanh niên lập nghiệp Phước Đại (Bác Ái) về ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất; chúng tôi bị thu hút bởi cách nói chuyện gần gũi, mộc mạc, thân tình, những câu chuyện thực tế của Vương không chỉ truyền cảm hứng khởi nghiệp mà còn lan tỏa khát vọng thành công cho các bạn trẻ vào những ngày năm hết, Tết đến.
"Làm thế nào để người trẻ khởi nghiệp thành công khi trong tay không có gì ngoài đam mê? Lời khuyên chính là sự chủ động, chủ động khám phá bản thân, tiếp thu kiến thức, kỹ năng và chủ động tìm đến những người thầy, những người có kinh nghiệm, những người đi trước để học tập..."
Ngay từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, Vương đã đặt mục tiêu trở thành một chuyên gia trong mảng nông nghiệp sạch - trùn quế, vì thế Vương có mặt hầu hết ở các diễn đàn, câu lạc bộ từ online (trực tuyến) đến offline (ngoại tuyến) của ngành và các hội, đoàn thể tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận phía Nam. Cũng như cây cối chỉ nẩy lộc đâm chồi vào mùa xuân, con người muốn tạo được sự nghiệp có ích cho bản thân, cho xã hội thì cũng phải bắt đầu từ tuổi trẻ. Cứ đinh ninh Vương sẽ chọn miền Nam làm nơi khởi nghiệp và phát triển, vậy mà “lá rụng về cội”, năm 2021, Vương quyết định trở về Ninh Thuận với “vốn liếng” là hơn một chục giải thưởng lớn, nhỏ chuyên ngành và 5 năm kinh nghiệm học tập và làm việc trong ngành trùn quế xử lý chất thải hữu cơ và phân gia súc gia cầm bằng trùn quế tại các công ty cũng như trang trại lớn ở các tỉnh phía Nam; trải qua những năm tháng thành công với không ít lần thất bại, khái niệm khởi nghiệp của Vương không còn gói gọn trong việc tự doanh mà còn bao hàm cả việc lập thân, gây dựng nhãn hiệu, tạo ra giá trị win-win (2 bên)... Trên lý tưởng đó, ngoài việc đầu quân làm kỹ thuật bán thời gian cho một vài trang trại nông nghiệp công nghệ cao trong tỉnh, Vương tích cực tham gia vào các chuỗi hoạt động Câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp tỉnh, sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn tận tay miễn phí kỹ thuật nuôi trùn quế và ứng dụng trùn quế trong nông nghiệp sạch tại các buổi “workshop” do các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức. Đặc biệt, đầu năm 2023, quyển sách “Nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng” được xuất bản và nhận nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng “startup” nông nghiệp, đây là quyển sách thứ ba Vương phát hành, với 1.000 bản được in lần thứ nhất, dự kiến sẽ tái bản trong năm 2024. Cũng trong năm này, Vương tiếp tục nhận giải Khuyến khích tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức.
Ngoài xuất bản sách và làm diễn giả tại các diễn đàn khởi nghiệp, Vương còn chăm chỉ sản xuất các video hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kiến thức, đăng tải trên nhiều nền tảng xã hội với biệt danh “Vương trùn quế”, được hàng nghìn người dùng tiếp cận và chia sẻ; theo dõi hành trình của Vương, độc giả không chỉ thấy được bức tranh sản xuất, kinh doanh tổng thể của nhiều nhà máy hay các doanh nghiệp hiện đại mà còn có cả câu chuyện ở từng địa phương, từng trường hợp cá nhân cụ thể, những bất cập và cách xử lý trong quy trình thực hiện mà “startup” mới nào cũng cần biết; đồng thời, những phân tích xác đáng của Vương giúp độc giả nhận ra quy luật vận động cũng như những dự báo về xu hướng kinh tế nông nghiệp trong tương lai gần... Khi được hỏi, làm thế nào để người trẻ khởi nghiệp thành công khi trong tay không có gì ngoài đam mê? Vương cho biết: Lời khuyên chính là sự chủ động, chủ động khám phá bản thân, tiếp thu kiến thức, kỹ năng và chủ động tìm đến những người thầy, những người có kinh nghiệm, những người đi trước để học tập...
Không riêng gì Nguyễn Bá Ngọc và Lê Minh Vương, mảnh đất Ninh Thuận hiện đang còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng đang ngày đêm tạo dựng sự thành công cho chính mình, tạo ra nhiều việc làm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. Một mùa xuân mới lại về, chúc cho thế hệ trẻ “dám mơ - dám làm - dám thành công” thêm động lực, thêm niềm tin tiến bước đến một Việt Nam tươi sáng!
Xuân Nguyên