Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến Trạm quản lý, BVR Suối Rua, xã Phước Tiến (Bác Ái). Anh Nguyễn Văn Tổng, Trạm trưởng Trạm quản lý, BVR Suối Rua cho biết: Hiện đơn vị đang quản lý lâm phần rộng hơn 7.000ha rừng. Do lâm phần quản lý rộng nên dịp trước, trong và sau Tết một số đối tượng thường lợi dụng sơ hở của chủ rừng để thực hiện các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Vì thế, ngay từ giữa tháng Chạp các nhân viên thuộc biên chế của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến ở lại trực Tết, cũng có nghĩa là đón Tết ở rừng; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ bắt đầu từ ngày 28 Tết đến ngày 6 Tết. Anh em ở trạm thay nhau phối hợp với lực lượng công an, tổ cộng đồng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa lâm phần của công ty giáp với huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), một số tiểu khu là “điểm nóng” nằm xa trạm, đường rất khó đi nên anh em phải lên tận nơi để kiểm soát, chốt chặn các đối tượng.
Nhân viên Trạm quản lý, bảo vệ rừng Suối Rua phối hợp với các lực lượng, tổ nhận khoán bảo vệ rừng tuần tra, kiểm soát lâm phần đơn vị quản lý.
Anh Tổng tâm sự: Để bảo vệ bình yên cho những cánh rừng, anh em phải vượt đồi cao, suối sâu tuần tra, không để “lâm tặc” lợi dụng cơ hội để vận chuyển lâm sản trái phép. Vì vậy, mỗi khi Tết đến, giữa lúc mọi nhà đều quây quần ấm áp trong không khí đón năm mới, anh em lại phải giữ chốt. Nhưng nếu xa rừng mấy ngày thì lại nhớ núi rừng.
Tạm biệt Trạm quản lý, BVR Suối Rua, chúng tôi tiếp tục hành trình xuôi về Trạm quản lý, BVR Tà Lâm, xã Ma Nới (Ninh Sơn). Trạm hiện có 5 nhân viên làm công tác BVR. Anh Tôn Thất Hoài Nhân, Phó Trạm quản lý, BVR mở lời: Với anh em chúng tôi, ngày Tết cũng như ngày thường thôi, đôi khi còn vất vả hơn, bởi mỗi đợt tuần tra, truy quét, anh em phải vượt cả chục km đường rừng. Nơi ăn, nghỉ của các anh em là chiếc võng, lều trại di động. Nguy hiểm và thiếu thốn là vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, với lòng nhiệt huyết, lực lượng giữ rừng ở đây vẫn tích cực bám dân, bám rừng để triển khai các phương án BVR.
Đồng hành giữ rừng ngày Tết cùng các cán bộ lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn còn có 7 tổ cộng đồng (TCĐ) và các hộ dân tham gia nhận khoán BVR. Ngoài công việc nương rẫy, người dân tham gia các TCĐ cũng tự sắp xếp thời gian để cùng lực lượng BVR đi tuần tra, nhờ đó tình trạng vi phạm đã giảm so với trước. Anh Chamaléa Kính, Tổ trưởng TCĐ thôn Hà Dài, xã Ma Nới cho biết: Ngay từ đầu năm, các hộ dân tham gia nhận khoán BVR cùng với đơn vị chủ rừng đã xây dựng quy chế hoạt động của tổ để nâng cao hiệu quả BVR. TCĐ của thôn hiện có 20 thành viên, mỗi ngày tổ phân công 2-3 người đi tuần. Có những chuyến đi tuần tra mất vài ngày. Mặc dù công việc vất vả, nhưng khi chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá, các hộ dân ở đây đã tích cực tham gia nhận khoán BVR với mong muốn góp chút công sức của mình để bảo vệ “lá phổi xanh” của đại ngàn.
Nhã Uyên