Không bỏ lỡ cơ hội "vàng"
Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn; được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.
Theo xu hướng đó, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn, chíp. Hiện, Bắc Ninh đã thu hút Tập đoàn Amkor và Công ty Micro Commercial Components là cơ sở nền tảng ban đầu hình thành hệ sinh thái này.
Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN
Tháng 10 vừa qua, tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, Tập đoàn Amkor đã khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam sau 2 năm xây dựng. Ðây là nhà máy bán dẫn tiên tiến nhất của Amkor trên toàn cầu và là nhà máy bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam tới thời điểm này. Với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD, nhà máy dự kiến tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động và tới năm 2035 sẽ tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Sự kiện này đã mở ra nhiều thời cơ cho Bắc Ninh, đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu cần đáp ứng để phát triển ngành này.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, việc khánh thành và đi vào hoạt động nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam là dấu mốc khởi đầu quan trọng để tỉnh Bắc Ninh chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn. Đây cũng là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh trong những năm tiếp theo. Qua đó, tạo hiệu ứng, lan tỏa để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới..
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu. Mục tiêu đến năm 2030, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không, sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa; đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế trong khu vực Đông Nam Á.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế có sẵn và duy trì ngành sản xuất điện tử là động lực chính cho phát triển công nghiệp, tập trung vào phân khúc giá trị cao, cụ thể là các dòng điện thoại thông minh và thiết bị đeo thông minh. Từ đó, từng bước nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị điện tử, tích hợp chuỗi giá trị với các hoạt động nghiên cứu phát triển và thiết kế; mở rộng chuỗi cung ứng đến sản xuất và trở thành thủ phủ chất bán dẫn của Việt Nam.
Sẵn sàng cho hạ tầng và nguồn nhân lực
Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đã giao các bộ ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển; đồng thời xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ năm 2030.
Tại Bắc Ninh, câu chuyện phát triển nguồn nhân lực luôn được tỉnh coi là ưu tiên hàng đầu, là động lực cho phát triển. Tỉnh có chính sách hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên đối với lĩnh vực công nghệ cao.
Tiến sỹ Vũ Quang Khuê, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho biết, trường đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng về nhân lực trong tương lai. Do đó, đơn vị đã có kế hoạch đào tạo để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian tới. Trong vài năm trở lại đây, trường quan tâm nhiều đến phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp số, đã mở các ngành nghề phù hợp với cơ cấu nền kinh tế của tỉnh là ngành tự động hoá và cơ điện tử. Đến nay các sinh viên đã đáp ứng cơ bản nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp công nghệ điện tử lớn trên địa bàn tỉnh.
Ông Ji Jong Rip, Tổng Giám đốc toàn cầu của Tập đoàn Amkor cho biết, đến thời điểm này, đã có nhiều khách hàng và đối tác quan trọng đến nhà máy tìm hiểu cơ hội đầu tư. Với hạ tầng hoàn thiện, Tập đoàn đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực để sản xuất.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, Nhà máy Amkor Technology Việt Nam đi vào hoạt động tại Bắc Ninh sẽ tạo được sự lan toả tới các doanh nghiệp khác, góp phần đẩy mạnh ngành công nghiệp bán dẫn. Sự hiện diện của nhà máy cũng sẽ góp phần kích thích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Giờ đây nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này càng cao và chắc chắn nguồn nhân lực đó sẽ được thu hút về Bắc Ninh, được trả lương cao. Điều này sẽ đẩy mạnh mối quan tâm của tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng gần 30 trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; 40 trường Trung học phổ thông. Theo các chuyên gia, với lợi thế vị trí địa lý rất gần với địa bàn của các trường đại học lớn ở khu vực Hà Nội, Bắc Ninh có thể thu hút một lượng lớn lao động có chất lượng cao về làm việc.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, trong lĩnh vực bán dẫn, Bắc Ninh là khu vực có hạ tầng công nghiệp lớn nhất miền Bắc để trở thành trung tâm nghiên cứu sáng tạo chuyển giao. Tỉnh Bắc Ninh xác định đây là cơ hội để nắm bắt, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón nguồn vốn từ nước ngoài.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư nhiều hạ tầng cơ bản về các khu công nghiệp. Đặc biệt, đầu tư xây dựng dự án khu công nghệ thông tin tập trung có vị trí kết nối thuận lợi thể hiện vai trò quan trọng trong liên kết vùng. Đây là khu phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại và đảm bảo an toàn thông tin, tạo môi trường làm việc tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bắc Ninh đã xác định nhiệm vụ chiến lược đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án có vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng về vi mạch bán dẫn toàn cầu. Tỉnh đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch “Make in Viet nam”, kiên trì tìm kiếm các cơ hội tham gia sâu vào khâu sản xuất để từng bước tiếp thu và làm chủ công nghệ sản xuất vi mạch.
Hiện, tỉnh Bắc Ninh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích hơn 260 ha, quy mô người lao động khoảng 20 nghìn người. Tỉnh tập trung phát triển hạ tầng, là trung tâm điện tử, linh kiện, vi mạch bán dẫn của vùng trung du miền núi phía bắc, Vùng Thủ đô Hà Nội, góp phần nâng sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và nâng cao vị thế thương hiệu công nghệ thông tin Việt Nam.
Với những chiến lược, mục tiêu rõ ràng, Bắc Ninh được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ từng bước mở rộng chuỗi cung ứng đến sản xuất, trở thành "thủ phủ" ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và là một mắt xích quan trọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo TTXVN/Báo Tin tức