Thuận Bắc: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất

Trong những năm qua, huyện Thuận Bắc tập trung nguồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Toàn huyện Thuận Bắc có 6 xã, với gần 70% đồng bào DTTS sinh sống. Điểm chung của các xã là còn nhiều khó khăn, đất đai khô cằn, thường xuyên chịu tác động của nắng hạn. Xuất phát từ thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động người dân đổi mới cách làm kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Đặc biệt, nhằm triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đặc thù của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS, ngoài kịp thời phân bổ vốn đến các đối tượng thụ hưởng, huyện tập trung chỉ đạo các xã chủ động rà soát, đánh giá thế mạnh từng khu vực, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ, kết hợp bố trí những cây, con phù hợp để đầu tư phát triển.

Phát triển chăn nuôi gia súc, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Thuận Bắc vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2025, định hướng đến năm 2030, từ năm 2022 đến nay, huyện tiến hành hỗ trợ trên 1,175 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản; hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho hộ dân thuộc các xã Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn, Công Hải, Lợi Hải, với kinh phí 2,750 tỷ đồng; đầu tư 1,19 tỷ đồng duy tu, sửa chữa 3 công trình hệ thống thủy lợi; hỗ trợ trên 923 triệu đồng thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm người lao động vùng đồng bào DTTS; đầu tư 1,220 tỷ đồng thực hiện Dự án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Phước Chiến. Ngoài ra, mỗi năm có hàng nghìn hộ được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Tác động rõ nét từ các chương trình, dự án hỗ trợ trong thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực, nhiều mô hình kinh tế được hình thành và nhân rộng.

Đến vùng đồng bào Chăm, Raglai ở xã Bắc Sơn trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận tinh thần hăng say lao động, phấn khởi của bà con nơi đây. Nhờ Nhà nước đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng, người dân đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả, những diện tích lúa chủ động nước tưới được duy trì ổn định 2 vụ/năm; cây bắp lai, đậu xanh, cây ăn quả được phân bổ rộng khắp trên các vùng gò đồi. Chị Thị Dằn, thôn Xóm Bằng chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, vừa được Nhà nước hỗ trợ 6 con dê sinh sản, tôi vay thêm vốn Ngân hàng Chính sách xã hội làm chuồng và trồng cỏ, hiện nay đàn dê phát triển tốt, đây là số vốn để gia đình tích lũy làm ăn sau này. Tại xã miền núi Phước Kháng, Phước Chiến... ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, cho biết: Các chương trình, dự án được triển khai trong thời gian qua giúp bà con trên địa bàn triển khai hiệu quả các mô hình như: Nuôi heo đen sinh sản, gà thả vườn, trồng nha đam, trồng tre lấy măng, tạo thu nhập ổn định cho bà con.

Theo đánh giá của địa phương, nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân hằng năm trên 5% và vùng miền núi giảm 3,67%. Đồng chí Trần Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Trong thời gian tới, trên cơ sở nguồn vốn phân bổ của trung ương, địa phương, huyện tập trung xây dựng kế hoạch, định hướng đầu tư các mô hình sản xuất phù hợp, gắn với thị trường tiêu thụ. Chú trọng đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự lực, vươn lên thoát nghèo trong vùng đồng bào DTTS,.