Để Nghị quyết số 20-NQ/TU thực sự đi vào cuộc sống

Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 15/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước (Nghị quyết 20) là một chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của tỉnh. Qua thời gian triển khai thực hiện, nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua để Nghị quyết 20 thực sự đi vào cuộc sống.

Nhiều chuyển biến tích cực

Thực hiện Nghị quyết 20, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch 1305/KH-UBND ngày 6/4/2023 về triển khai thực hiện Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước; các sở, ngành, địa phương cũng đã tập trung phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của nghị quyết; đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp để thực hiện phù hợp với chức năng của từng đơn vị, sở, ngành theo nhiệm vụ được phân công.

Đồng chí Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Qua tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong phát triển công nghiệp và chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xác định đây là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, từ đó xác định rõ mục tiêu, kế hoạch thực hiện, huy động nguồn lực để đầu tư phát triển.

Kiểm tra vận hành nhà máy điện mặt trời Trung Nam 500kV. Ảnh: Anh Tuấn

Kết quả trong năm 2023, UBND tỉnh đã điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án (DA) NLTT, tạo điều kiện để các DA hoàn tất thủ tục về đầu tư, đất đai, đấu nối mua bán điện. Từ đầu năm đến nay, đã có 2/5 DA điện mặt trời với công suất 120MW (Thiên Tân 1, Thiên Tân 2) và một phần DA điện mặt trời với công suất 85MW (Trung Nam 450MW) hoàn thành hòa lưới; có một phần DA điện gió công suất 93MW (điện gió Hanbaram) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại và có 1 DA thủy điện 20MW (hồ thủy điện Mỹ Sơn) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại; 2 DA điện mặt trời công suất 120MW (Phước Thái 2 và Phước Thái 3) đã tiến hành khởi công.

Đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 37 DA điện mặt trời với tổng công suất là 2.576,85MW, 17 DA điện gió với 890,75MW và 8 DA thủy điện với công suất 131,95MW; có 53 DA điện đã đi vào hoạt động, 9 DA đang triển khai (2 DA điện gió 28MW đang thi công; 4 DA điện gió tổng công suất 196MW đang triển khai thủ tục pháp lý; 1 DA điện mặt trời đang chờ đấu nối; 2 DA điện mặt trời đang thi công sẽ hoàn thành cuối năm nay).

Qua thực tế phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT đã xuất hiện nhiều sáng kiến với các mô hình kết hợp phát triển năng lượng với các ngành khác nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao giá trị sử dụng đất. Cụ thể như: Mô hình phát triển DA điện gió kết hợp điện mặt trời; mô hình kết hợp điện gió trên các tuyến đường dân sinh của DA đồng muối Quán Thẻ; mô hình kết hợp phát triển điện mặt trời trên vùng bán ngập tại các hồ thủy lợi.

Theo đánh giá, các DA NLTT đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tỷ lệ 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than); sản lượng điện năm 2022 của tỉnh đạt 7 tỷ kWh, chiếm 5,4% tổng sản lượng điện NLTT của cả nước; huy động được 63 DA năng lượng với tổng công suất 3.636MW với tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng từ 19% năm 2017 lên 38% vào năm 2022; kinh tế - xã hội có bước phát triển tạo sức bật mới, vị thế của tỉnh được nâng lên. Đó là kết quả rõ nét việc hiện thực hóa Nghị quyết 20 về xây dựng tỉnh thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, tỉnh đang triển khai nhiều DA lớn với nhiều kỳ vọng phát triển mới. Đối với DA thủy điện tích năng, ngoài DA thủy điện tích năng Bác Ái với công suất 1.200MW sử dụng vốn đầu tư công, hiện EVN đang tiến hành thi công, dự kiến sẽ đưa 600MW của giai đoạn 1 vào vận hành giai đoạn 2025-2026 và đưa toàn bộ DA vào vận hành năm 2028; hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có DA thủy điện tích năng Phước Hòa, công suất 1.200MW đang được tỉnh cho nghiên cứu và thiết kế tiền khả thi để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. DA Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW cũng đã được tỉnh phê duyệt danh mục DA, đồng thời giao Sở Công Thương phối hợp với các bộ, ngành trung ương liên quan lập hồ sơ và phê duyệt hồ sơ, áp dụng đấu thầu rộng rãi quốc tế theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động góp phần tạo tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết 20 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi đến nay mặc dù Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, nhưng kế hoạch thực hiện quy hoạch này vẫn chưa ban hành, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để triển khai DA. Các chính sách giá điện tái tạo đã hết hiệu lực từ hơn 2 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách mới dẫn đến khó khăn trong việc thu hút đầu tư các DA.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 20, trong thời gian tới, tỉnh tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trên cơ sở tranh thủ, tận dụng cơ hội và chính sách; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các DA trọng điểm, động lực như: Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái, các DA điện gió, điện mặt trời, Khu công nghiệp Cà Ná, hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, công bố quy hoạch tỉnh, đẩy nhanh phát triển hạ tầng công nghiệp năng lượng. Mặt khác, kiến nghị trung ương sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, điện gió giai đoạn mới, trong đó ưu tiên phát triển NLTT, năng lượng sạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh kêu gọi và triển khai đầu tư các DA NLTT trên địa bàn tỉnh.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng Nghị quyết 20 sẽ sớm được hiện thực hóa, đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước.