Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có hơn 139.325ha đất rừng, trong đó 131.996ha rừng tự nhiên, 7.328ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2022 đạt 47,11%, tăng 4,7% so với năm 2016. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 đơn vị chủ rừng, 97 tổ, đội BVR; duy trì 61 điểm trực chốt bảo vệ. Trong giai đoạn 2016-2022, lực lượng kiểm lâm phối hợp với đơn vị BVR và chính quyền địa phương tổ chức 15.823 đợt kiểm tra, truy quét BVR; phát hiện, ngăn chặn 3.564 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; đã xử lý 3.386 vụ, tịch thu 981m3 gỗ, trên 1.000 phương tiện vận chuyển các loại, 113 cưa máy, thu nộp ngân sách gần 9,510 tỷ đồng. Số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp đã giảm dần theo từng năm, từ hơn 1.200 vụ năm 2016 xuống còn dưới 200 vụ năm 2022.
Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha cùng các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát lâm phần đơn vị quản lý. Ảnh: T.M
Thực hiện phương án phòng, chống cháy rừng, các đơn vị, địa phương, nhất là đơn vị chủ rừng đã thực hiện các biện pháp phòng cháy như làm băng cản lửa, đốt trước có điều khiển, tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức trực phòng cháy để phát hiện cháy, chữa cháy kịp thời. Giai đoạn 2016-2022 toàn tỉnh xảy ra 175 điểm cháy, huy động 2.356 lượt người tham gia chữa cháy rừng. Các điểm cháy rừng đều được phát hiện và huy động lực lượng cứu chữa kịp thời.
Đặc biệt tại các lâm phần giáp ranh với 3 tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hòa có chiều dài trên 160km, điều kiện kiểm soát, BVR khó khăn, các địa phương đã có quy chế phối hợp. Khi có tình huống, điểm nóng phát sinh, các đơn vị vùng giáp ranh kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra truy quét và xử lý. Qua đó đã góp phần ngăn chặn đáng kể tình hình phá rừng tại các vùng giáp ranh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có phương án hoạt động 8 chốt liên ngành BVR và chốt giáp ranh 3 tỉnh, giúp ngăn chặn hiệu quả các vi phạm lâm luật khu vực giáp ranh, vùng trọng điểm.
Phát triển mô hình trồng cây ăn quả dưới tán rừng tại xã Phước Hà (Thuận Nam).
Thông qua các chương trình dự án về phát triển lâm nghiệp bền vững, các địa phương đã tăng cường công tác trồng rừng, nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng. Công tác khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng tự nhiên được quan tâm. Qua đó đã bổ sung nhiều loại cây, kết hợp nhiều phương thức trồng rừng tại những vùng địa hình, khí hậu khác nhau vừa mang giá trị kinh tế như: Điều, trôm, cây ăn quả và các loại cây bản địa như thanh thất, thông 3 lá, phi lao, lim xẹt, lim đá, muồng đen. Từ 2016 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai trồng 4.89,75ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng 26.806ha; cấp phát trên 1,787 triệu cây giống chất lượng trồng phân tán đa mục đích.
Thực hiện giao khoán BVR, các đơn vị, địa phương đã thực hiện giao 465.887ha rừng cho các cộng đồng dân cư, với tổng kinh phí 145,341 tỷ đồng. Thông qua việc giao khoán BVR, các đơn vị chủ rừng đã vận động các hộ gia đình, cộng đồng nhận khoán phát triển các mô hình sinh kế phù hợp, như phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tham gia BVR, người dân còn được hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới hiệu quả và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất. Từ những mô hình phù hợp, các chính sách hỗ trợ hiệu quả, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tham gia BVR. Hiệu quả từ công tác quản lý, BVR và phát triển rừng đã nâng cao giá trị cung ứng dịch vụ môi trường rừng, kết quả thực hiện năm 2022 là 12,3 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016.
Đồng chí Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVR, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49% vào năm 2025; hằng năm giảm tối thiểu 10% số vụ vi phạm về lâm nghiệp, trong thời gian tới Sở NN&PTNT, cùng các đơn vị, địa phương sẽ phát huy hiệu quả công tác quản lý, BVR gắn với đảm bảo sinh kế và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tích hợp đồng bộ dữ liệu quy hoạch lâm nghiệp với quy hoạch tỉnh - quy hoạch sử dụng đất, nhằm đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch với mục tiêu phát triển rừng hài hòa, hiệu quả và bền vững. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác quản lý rừng, đất rừng. Triển khai các giải pháp tăng cường hợp tác đa ngành trong quản lý lâm nghiệp. Ưu tiên triển khai các giải pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp; nâng cao ý thức trách nhiệm về BVR, bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư. Phát triển rừng, sử dụng rừng gắn với phát triển sinh kế cho người dân trên địa bàn; tăng cường triển khai các hoạt động, dự án có sự tham gia của cộng đồng; các chương trình dự án trồng cây phân tán, trồng rừng thay thế.
Anh Tuấn