Căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương, ngày 27/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4968/KH-UBND về sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng vụ đông - xuân năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch đề ra, trong vụ đông - xuân năm 2023-2024 toàn tỉnh tập trung sản xuất với tổng diện tích 27.067ha. Trong đó, cây lúa 17.508,2ha; cây màu 9.558,8ha và phân theo địa bàn cụ thể, gồm: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 1.404ha (lúa 911,3ha; màu 492,7ha); các huyện: Bác Ái 1.800ha (lúa 760ha; màu 1.040ha), Ninh Sơn 6.888ha (lúa 3.400,8ha; màu 3.487,2ha), Ninh Hải 2.709ha (lúa 2.230 ha; màu 479 ha), Ninh Phước 8.324ha (lúa 5.429,1ha; màu 2.894,9ha), Thuận Bắc 3.657ha (lúa 2.929ha; màu 728ha), Thuận Nam 2.285ha (lúa 1.848ha; màu 437ha).
Ngoài diện tích sản xuất theo kế hoạch kể trên, trong vụ đông - xuân năm 2023-2024, các địa phương trong tỉnh còn đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 674,5ha. Trong đó, chuyển đổi sang cây ngắn ngày 556,1ha và cây dài ngày 118,4ha. Địa phương đăng ký kế hoạch chuyển đổi cây trồng sang cây ngắn ngày nhiều nhất là huyện Ninh Sơn với 292ha, gồm: Chuyển đổi trên đất lúa 155ha, chuyển đổi trên đất khác 137ha. Tiếp đến huyện Thuận Nam 130ha, gồm: Chuyển sang cây ngắn ngày 123ha, sang cây dài ngày 7ha. Huyện Bác Ái 100ha, gồm: Chuyển sang cây ngắn ngày 58ha và sang cây dài ngày 42ha. Huyện Ninh Phước 60,1ha gồm: Chuyển sang cây ngắn ngày 27,5ha và cây dài ngày 32,6ha. Huyện Thuận Bắc 44,2ha, gồm: Chuyển đổi sang cây ngắn ngày 28,9ha và cây dài ngày 15,3ha. Huyện Ninh Hải 24,5ha, gồm: Chuyển sang cây ngắn ngày 3ha và cây dài ngày 21,5ha. Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 23,7ha, gồm: Chuyển đổi trên đất lúa 11,1ha và đất khác 12,6ha.
Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa vụ đông - xuân năm 2022-2023. Ảnh: Tiến Mạnh
Để đảm bảo sản xuất vụ đông - xuân năm 2023-2024 đạt hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo các đơn vị: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông..., phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động bà con nông dân xuống giống đúng thời vụ và cơ cấu giống theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp; đồng thời, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt chỉ tiêu năm 2024. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu để có các biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Hướng dẫn người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật như sử dụng đại trà các giống mới, ngắn ngày, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất chất lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế. Tăng cường kiểm tra về chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người dân yên tâm sản xuất; đồng thời, khuyến cáo để người dân biết giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân bón hợp lý nhằm tiết kiệm chi phí.
Về giống lúa, khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận, áp dụng kỹ thuật canh tác theo các biện pháp như: “1 phải 5 giảm” , “3 giảm, 3 tăng”; ưu tiên lựa chọn các giống ngắn ngày, giống có chất lượng; quản lý và điều tiết nước tiết kiệm, hiệu quả tùy vào giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, dự tính dự báo sâu bệnh kịp thời. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.
Đối với hoa màu, xây dựng kế hoạch sản xuất rau màu linh hoạt, xem xét điều chỉnh cơ cấu giống rau củ, quả có thời gian bảo quản kéo dài, phù hợp thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ rau tại địa phương, cung ứng ngoài tỉnh, chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại và bón phân cân đối. Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, không để úng cục bộ. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ từ các nguồn phế phẩm chăn nuôi của các hộ để giảm bớt phân bón hóa học và thuốc trừ sâu bệnh nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất cho người nông dân.
Đối với UBND các huyện, thành phố, tổ chức phổ biến các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người dân biết, tiếp cận; sử dụng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng đã được Sở NN&PTNT chuyển giao để chủ động đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng vụ đông - xuân năm 2023-2024 phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đồng thời, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ bà con nông dân trong việc cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ đông - xuân năm 2023-2024 theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Thực hiện tốt các chương trình, mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng và thực hiện mô hình sản xuất cánh đồng lớn đạt hiệu quả.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục theo dõi tình hình khí hậu, thời tiết, lượng mưa trong thời gian tới, đồng thời thường xuyên phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2023 để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo từng thời điểm. Tổ chức nạo vét các kênh mương, gia cố các bờ đập, khơi thông dòng chảy, đảm bảo điều tiết nước nhanh và kịp thời cho sản xuất, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi vụ đông - xuân tại những nơi có khả năng thiếu nước. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với lịch sản xuất, cụ thể đến từng khu vực, xứ đồng, tránh lãng phí nguồn nước. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở NN&PTNT để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Phước Đức