Theo ông Ngọ Duy Hiểu, thời điểm này, vấn đề quan trọng, căng thẳng nhất với công nhân lao động chính là tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đang có chiều hướng tăng. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của tổ chức Công đoàn là phải tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tiếp đó là giải quyết vấn đề tiền lương, nhà ở cho người lao động.
Lao động trong lĩnh vực thủy sản. Ảnh: TTXVN
“Công đoàn cũng kiến nghị giải quyết vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội của công nhân lao động, đặc biệt là kiến nghị giải quyết quyền lợi cho 200.000 lao động bị nợ BHXH. Đây là những trường hợp mà chủ doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn. Với số lượng 200.000 người bị nợ BHXH đồng nghĩa hơn 200.000 gia đình gặp khó khăn, không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con cũng như không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động khi làm việc. Đây là vấn đề an sinh xã hội rất lớn khi hàng trăm nghìn người về hưu không biết sẽ sống bằng gì… Cũng từ vấn đề này, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng phải quy định chặt chẽ để không tái diễn tình trạng lao động bị nợ BHXH khi chủ sử dụng lao động phá sản, bỏ trốn”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
“Ngoài ra, đối với nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn Việt Nam đặt chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ, cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; ít nhất 90% số vụ việc tranh chấp tại tòa án của đoàn viên có yêu cầu đại diện công đoàn tham gia hoặc hỗ trợ về pháp lý được đáp ứng”, ông Ngọ Duy Hiểu thông tin.
Theo TTXVN/Báo Tin tức