DA hồ chứa nước Sông Than có tổng mức đầu tư 1.040,658 tỷ đồng, theo tiến độ được duyệt DA hoàn thành năm 2023, tuy nhiên theo tính toán của đơn vị chủ đầu tư, đến nay tổng giá trị hoàn thành DA mới đạt khoảng 80% khối lượng. Về tiến độ giải ngân đến ngày 31/10/2023 đã giải ngân 939,476 tỷ đồng, đạt 95,2% kế hoạch, trong đó kế hoạch năm 2023 sẽ giải ngân 59 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mới giải ngân được 11,728 tỷ đồng, tương đương 7,5% kế hoạch. Về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hiện nay vẫn còn 6 hộ chưa bàn giao mặt bằng, tỉnh đang tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân. Công tác chuyển đổi đất rừng và trồng rừng thay thế, sau khi được Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 682/TTg-NN ngày 26/7/2023 chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 112,21ha đất rừng phòng hộ, chủ đầu tư đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục chuyển đổi rừng và giao đất. Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù trong điều kiện khó khăn, thời gian rất gấp, khối lượng công việc còn lại khoảng 20% và còn vướng 6 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng; trong khi đó hiện nay đang mùa mưa bão, ảnh hưởng đến khả năng đẩy nhanh tiến độ DA. Nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn tất thủ tục giải ngân chi phí đền bù và nghiệm thu khối lượng, dự kiến đến cuối năm sẽ giải ngân 100% vốn được giao, sớm hoàn thành DA theo tiến độ.
Thi công đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư
Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng). Ảnh: B.D
Thực hiện từ năm 2018, đến nay DA môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu DA Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đang ở giai đoạn nước rút, triển khai rất khẩn trương. Tính đến ngày 31/10, DA đã giải ngân 222,579 tỷ đồng vốn năm 2023; nâng tổng vốn đã giải ngân của DA là 1.483,996 tỷ đồng, đạt 65,9% tổng mức đầu tư. Về tình hình thực hiện các gói thầu, trong tổng số 47 gói thầu, hiện đã hoàn thành 27 gói (trong đó có 4 gói xây lắp và 23 gói tư vấn). Trong số 13 gói xây lắp, có 4 gói đã hoàn thành (nhà vệ sinh công cộng và trường học; nâng cấp kênh Chà Là đoạn CL2, kênh TH5 và kênh Nhị Phước; Khu tái định cư Phan Đăng Lưu và Hẻm 150; kênh Đông Nam). Đã triển khai đấu nối nước thải đạt 7.731/15.500 vị trí đấu nối đạt 50%. Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các DA ODA ngành nước tỉnh, khó khăn hiện nay của DA đó là tiến độ triển khai các gói thầu trong khu dân cư gặp khó khăn, nhiều hệ thống ngầm mất thời gian di chuyển; xử lý địa điểm đổ bùn thải với khối lượng khá lớn. Tuy nhiên với quyết tâm cao độ, các nhà thầu đang đẩy mạnh các giải pháp thi công và tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để đưa DA về đích vào tháng 6/2024 như cam kết.
DA đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng (Đức Trọng, Lâm Đồng) có tổng mức đầu tư 1.494,746 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2022-2025. Năm 2023, DA được bố trí 351,321 tỷ đồng, nâng tổng vốn đã phân bổ 1.104,098 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10 DA đã giải ngân được 137,936 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch. Nếu như trước đây DA thành phần 1 - Đường từ thị trấn Tân Sơn đến xã Ma Nới, đã thi công rất nhanh, hoàn thành vào tháng 10/2023 thì hiện nay, DA thành phần 2 - Đường từ xã Ma Nới đi ngã tư Tà Năng (Đức Trọng) đang gặp nhiều khó khăn do chưa có đủ mặt bằng thi công. Hiện các nhà thầu đang tập trung tổ chức triển khai thi công đối với các phân đoạn đã có mặt bằng (8km/23,1km trên địa phận Ninh Thuận và 15km/17,1km thuộc tỉnh Lâm Đồng). Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Vướng mắc hiện nay đối với DA đó là công tác lập hồ sơ chuyển đổi đất rừng. Hồ sơ phải qua nhiều bước và chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ mới đủ điều kiện thực hiện DA theo quy định. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng đang gặp khó bởi trên đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng số 301 hộ gia đình bị ảnh hưởng, hiện nay huyện Đức Trọng đã hoàn thành công tác kiểm kê tài sản trên đất của các hộ dân và đang di dời hệ thống điện.
Tuy nhiên, hồ sơ xác định giá đất cụ thể chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở áp giá bồi thường. Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện DA, hiện đơn vị chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ theo quy định để sớm có mặt bằng thi công đẩy nhanh tiến độ DA.
DA đường giao thông nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng tổng hợp Cà Ná có tổng mức đầu tư 903 tỷ đồng; tổng chiều dài tuyến 14,8km, gồm 2 DA thành phần. DA thành phần 1 - Đoạn nối từ đường cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 dài khoảng 10,14km. Hiện nay, Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và bàn giao cọc mốc thi công; các nhà thầu đang đào bóc phong hóa và đào hạ nền đường được khoảng 6km, đắp nền đường hơn 2km, đồng thời thi công lắp đặt các công trình phụ trên tuyến. Về công tác giải phóng mặt bằng, đã có 71 hộ đã bàn giao mặt bằng; còn 26 hộ đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện triển khai các thủ tục tiếp theo. DA thành phần 2 - Đoạn từ Quốc lộ 1 đến Khu công nghiệp Cà Ná dài khoảng 4,66km được đầu tư bằng nguồn vốn hơn 213,9 tỷ đồng của nhà tài trợ - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam và từ Ngân sách địa phương hơn 37,76 tỷ đồng. Mặc dù DA đã triển khai tại thực địa, đào bóc phong hóa nền đường với chiều dài 1,2km, nhưng sau đó do gặp khó khăn về tài chính, nhà tài trợ đã dừng triển khai thi công từ ngày 17/4. Qua làm việc với tỉnh, nhà tài trợ cam kết sẽ bắt đầu tập trung triển khai thi công trong tháng 11/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 .
Anh Tuấn