Theo NH Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận (NHNN tỉnh), đến cuối tháng 10/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 22.145 tỷ đồng, tăng 153 tỷ đồng so với tháng trước; tăng 1.787 tỷ đồng so với cuối năm 2022 (tăng 8,78%) và đạt 97,12% kế hoạch năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư ước đạt 15.195 tỷ đồng, chiếm 68,62%; tiền gửi thanh toán đạt 6.870 tỷ đồng, chiếm 31,02%; phát hành giấy tờ có giá đạt 80 tỷ đồng, chiếm 0,36% trong tổng nguồn vốn huy động.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN tỉnh cho biết: Không chỉ điều hành, hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện tốt công tác huy động vốn, từ đầu năm đến nay, NHNN tỉnh còn chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất cho vay. Đặc biệt, để triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, NHNN tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai kịp thời các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong việc tiếp cận vốn tín dụng NH. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát các TCTD triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động kết nối NH - DN; triển khai gói tài chính tiêu dùng 20.000 tỷ đồng của Công ty Tài chính TNHH HD Saison và Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (Công ty SMBC) cho công nhân vay vốn phục vụ tiêu dùng với chính sách ưu đãi...
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Viettin chi nhánh Ninh Thuận.Ảnh: Văn Miên
Nhờ triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, cùng với mặt bằng lãi suất cho vay đang từng bước được NH cắt giảm mạnh so với đầu năm, đến cuối tháng 10/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 41.150 tỷ đồng, tăng 223 tỷ đồng so với tháng trước, tăng 4.018 tỷ đồng so với cuối năm 2022 và đạt 99,84% kế hoạch năm 2023. Dư nợ cho vay trong 10 tháng năm 2023 tập trung chủ yếu vào các ngành: Nông nghiệp, thủy sản 8.790 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,36% trong tổng dư nợ, tăng 663 tỷ đồng so với cuối năm 2022; công nghiệp, xây dựng đạt 7.170 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,42%, tăng 190 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ và hoạt động phục vụ cá nhân cộng đồng đạt 25.190 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61,22%, tăng 3.165 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, các TCTD còn cho vay xuất khẩu với dư nợ đạt 730 tỷ đồng, tăng 192 tỷ đồng so với cuối năm 2022; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa dư nợ đạt 7.060 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ dư nợ đạt 1.390 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao dư nợ đạt 370 tỷ đồng, tăng 38 tỷ đồng so với cuối năm 2022.
Đối với kết quả thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến thời điểm 30/9, dư nợ đạt 9.448 tỷ đồng (trong đó dư nợ vay của khách hàng DN bị ảnh hưởng bởi dịch là 5.970 tỷ đồng, dư nợ vay của khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh và khách hàng khác là 3.478 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các NH đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 442 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại là 551 tỷ đồng. Thực hiện miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay với tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm đạt 56 tỷ đồng với 110 khách hàng. Dư nợ cho vay mới còn lại tại thời điểm cuối tháng 9/2023 là 1.869 tỷ đồng với 3.632 khách hàng (trong đó, khách hàng DN 1.405 tỷ đồng/660 khách hàng; khách hàng cá nhân và khách hàng khác 464 tỷ đồng/2.972 khách hàng). Riêng chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của NHNN, dư nợ đến cuối tháng 9/2023 là 6,92 tỷ đồng với 59 khách hàng. Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đến 30/9 dư nợ đạt 81 tỷ đồng/236 món vay còn dư nợ. Cho vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đến nay chưa phát sinh khách hàng mới.
Vietcombank chi nhánh Ninh Thuận tăng cường giải ngân vốn cho doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Theo kế hoạch, năm 2023 ngành NH tỉnh đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 12-15%, đến cuối tháng 10, tỷ lệ tăng trưởng của ngành đã đạt 10,82%. Để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng còn lại, theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, từ nay đến cuối năm, NHNN tỉnh bám sát kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và NHNN Việt Nam để điều hành tín dụng linh hoạt nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cùng với đó, NHNN tỉnh tập trung chỉ đạo các TCTD chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên có động lực tăng trưởng của tỉnh. Tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 1,5-2%) đối với cả khoản vay mới và dự nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt. Tiếp tục giám sát hoạt động của các TCTD để kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn nhằm đảm bảo hoạt động của các NH trên địa bàn an toàn, ổn định và tăng tưởng. Đẩy mạnh triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ và 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản... theo Kế hoạch số 4425/KH-UBND ngày 24/10/2023 của UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong 3 tháng cuối năm, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển KT-XH địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Linh Giang