Tin tổng hợp

* Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015, định hướng phát triển đến năm 2020 và những năm tiếp theo, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, giáo dục-đào tạo trên địa bàn thành phố phát triển khá toàn diện cả về quy mô, chất lượng dạy và học. Hệ thống trường lớp được đầu tư, nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu học tập, nhất là địa bàn nông thôn, ven biển; đầu tư xây mới nhiều trường học quy mô lớn, khá hiện đại từ các nguồn vốn đầu tư công và các thành phần kinh tế như: Trường chuyên Lê Quý Đôn, Trương PTTH Nguyễn Trãi…

Một góc cơ sở vật chất Trường THPT Lê Quý Đôn (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học được củng cố, kiện toàn cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo. Đến nay trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 37,7%; số lớp 2 buổi/ngày là 319, chiếm 56,64%; số học sinh học 2 buổi/ngày là 10.305, tỷ lệ 58,6%. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng mở rộng, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập, bước đầu đáp ứng nhu cầu xã hội về chất lượng và môi trường giáo dục; hệ thống trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa và đảm bảo các điều kiện giảng dạy đã tạo thuận lợi và thu hút các đối tượng trong độ tuổi đến trường. Quy mô, số lượng được đào tạo, bồi dưỡng tăng, chất lượng nguồn nhân lực từng bước nâng lên; cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, đào tạo nghề được tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng; xã hội hoá trong dạy nghề có bước chuyển biến rõ nét.

* Về Y tế, Phan Rang-Tháp Chàm là nơi tập trung các bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có Bệnh viện đa khoa tỉnh đã triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh cho Nhân dân, gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh 1.080 giường; Bệnh viện chuyên khoa Da liễu - Tâm thần; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi; Bệnh viện Y Dược cổ truyền; Bệnh viện Mắt…

 Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y khoa hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ

Các chương trình y tế - dân số được thực hiện hàng năm đạt từ 95-100% các chỉ tiêu, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở thành phố cải thiện đáng kể, còn 6,58%; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế từ thành phố đến phường, xã; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; đến nay, trên địa bàn thành phố có 295 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, có 14/16 xã, phường có trạm y tế (nhiệm vụ y tế của 02 phường Đô Vinh và Tấn Tài do Trung tâm Y tế thành phố đảm nhiệm); 16/16 (100%) phường, xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.