Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Huyện Ninh Hải đi đầu trong toàn tỉnh triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, công tác chọn tạo, nhân giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao được chú trọng thực hiện và đạt một số kết quả tích cực: Đã chọn tạo, nhân giống và chuyển giao thành công quy trình sản xuất thâm canh giống nho ăn tươi chất lượng cao NH01-152 tại xã Vĩnh Hải với diện tích 7 ha; xã Xuân Hải, Phương Hải, Tân Hải sản xuất, cung ứng giống lúa Đài Thơm 8 ra thị trường với diện tích hơn 500 ha.
Nông dân thôn Thái An (Ninh Hải) trồng nho đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ
Trong vụ đông - xuân 2022-2023, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình thí điểm sản xuất giống lúa ST25 tại Trại sản xuất lúa An Xuân, xã Xuân Hải. Mô hình cho kết quả khả quan, giống lúa ST25 có thời gian sinh trưởng trung bình khoảng 115 ngày, chiều cao cây trung bình 98cm, cứng cây, chống đổ ngã, đẻ nhánh khỏe, bộ lá đứng, bông to dài, nhiều hạt, gạo thon dài, trắng, cơm dẻo mềm và thơm, năng suất đạt 8 tấn/ha. Qua triển khai mô hình cho thấy, giống lúa ST25 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống lúa khác từ 1-1,4 lần.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đáng kể là huyện Ninh Hải đã phối hợp với Trung tâm Giống hải sản cấp 1 tập huấn kỹ thuật sản xuất và hỗ trợ cho người dân các đối tượng giống mới như: Hàu Thái Bình Dương, cá mú đen chấm nâu, cá mú Trân Châu, cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, cá bè vẫu... Sau nhiều năm nuôi tôm, ốc hương thương phẩm hiệu quả thấp, anh Nguyễn Đức Minh ở thôn Gò Gũ, xã Hộ Hải đã cải tạo hơn 1ha đìa nuôi tôm thành ao nuôi cá bớp. Đầu năm 2023, anh thả nuôi 4.000 con cá bớp, mật độ thả nuôi 2,5m2/con. Hiện đàn cá đã nuôi hơn 10 tháng, trọng lượng bình quân đạt 5kg/con, dự tính sẽ xuất bán vào dịp cuối năm nay. Việc nông dân đưa giống mới vào sản xuất đã thúc đẩy nghề nuôi thủy sản ở khu vực Đầm Nại phát triển bền vững.
Mô hình nuôi cá bớp trong ao đất của ông Nguyễn Đức Minh ở thôn Gò Gũ, xã Hộ Hải (Ninh Hải). Ảnh: CTV
Cùng với huyện Ninh Hải, huyện miền núi Bác Ái cũng đã lựa chọn quy trình, công nghệ sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, phù hợp với tiềm năng lợi thế và tình hình sản xuất trên địa bàn. Huyện lồng ghép hiệu quả các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu, chọn tạo và phục tráng các giống cây, con bản địa. Vườn quốc gia Phước Bình thực hiện ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhằm cung ứng cây giống chuối, lan rừng có chất lượng cao, sạch sâu bệnh. Triển khai thực hiện đề tài khoa học về bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm quế linh chi. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện Dự án bảo tồn giống chuối mồ côi tại xã Phước Bình. Phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh với đề tài phục tráng và phát triển giống bắp nếp địa phương của huyện Bác Ái. Khuyến khích các nhà khoa học thuộc các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, khảo nghiệm các giống cây trồng bản địa có tiềm năng về chất lượng sản phẩm, có khả năng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng để phục tráng, nhân rộng, đưa vào sản xuất như nhóm các cây họ đậu, bắp nếp, các cây dược liệu, heo bản địa, gà địa phương...
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, huyện Ninh Sơn phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố lựa chọn, đánh giá cây đầu dòng trên cây nho để làm cơ sở cung cấp giống đảm bảo chất lượng; nghiên cứu mô hình nhân giống cây kiệu quy mô 4ha với 5 hộ tham gia. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhân rộng mô hình thụ tinh nhân tạo trên đàn bò để nâng cao tầm vóc và tỷ lệ bò lai trên 1.400 con; phối hợp với các sở, ngành xây dựng bản đồ nông hóa thổ hóa để khuyến cáo người dân bố trí các giống cây trồng hợp lý góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Có thể nói, công tác khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi mới được các địa phương ưu tiên hàng đầu, tạo được chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Việc các địa phương lựa chọn giống cây trồng có nguồn gốc xuất xứ, phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng và áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất có ý nghĩa quan trọng, góp phần thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng.
Anh Tùng