Ninh Hải phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, huyện Ninh Hải tập trung phát triển kinh tế biển, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với du lịch để nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; có 100% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, có 2 xã (Tri Hải và Thanh Hải) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Là huyện đồng bằng ven biển, Ninh Hải có nhiều điều kiện thuận lợi về khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và phát triển du lịch. Tận dụng lợi thế trên, ngư dân các địa phương đã chú trọng đầu tư tàu thuyền công suất lớn vươn khơi. Đến nay, năng lực tàu cá của huyện được nâng lên đáng kể với 842 tàu, tổng công suất 141.535 CV. Sản lượng hải sản khai thác bình quân đạt trên 30.000 tấn/năm. Toàn huyện có 295 công ty, cơ sở sản xuất giống thủy sản, sản lượng tôm giống bình quân đạt trên 20 tỷ post/năm. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên 550 ha với sản lượng thu hoạch khoảng 3.000 tấn/năm. Ninh Hải cũng là địa phương sản xuất muối lớn nhất tỉnh với tổng diện tích 652 ha, sản lượng muối bình quân hằng năm đạt khoảng 330.000 tấn.

 

Thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch ở nông thôn,
Ninh Hải đã đón trên 2,48 triệu lượt khách tham quan, mua sắm.

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện Ninh Hải, cùng với đầu tư phát triển kinh tế biển, huyện tập trung quy hoạch sản xuất gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng NTM. Đến nay, huyện đã hình thành 10 vùng sản xuất tập trung bao gồm các cánh đồng lớn sản xuất lúa liên xã Xuân Hải, Hộ Hải, Tân Hải, Phương Hải với hơn 2.000 ha; vùng chuyên canh hành, tỏi các xã Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải; vùng chuyên canh trồng măng tây xanh ở xã Xuân Hải, vùng trồng nho xã Vĩnh Hải,... Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 290 triệu đồng/ha.

Bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, Ninh Hải đã huy động được nguồn lực lớn từ xã hội, cộng đồng dân cư để xây dựng NTM. Từ năm 2021 đến nay, người dân đã tự nguyện hiến 28.000m2 đất, gần 3.000 ngày công lao động, ủng hộ kinh phí trên 5 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình như: Nhà văn hóa thôn, thủy lợi, đường giao thông nông thôn dựa trên nguyên tắc “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Từ phong trào thi đua xây dựng NTM, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ để phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân.

Đến cuối năm 2022, hộ nghèo toàn huyện còn 1.063 hộ, chiếm 3,44%; giảm 1,45% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,3 triệu đồng/người/năm, tăng 2,2 lần so năm 2015. Với sự nỗ lực và thành quả trên, Ninh Hải được công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2020. Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020, trên địa bàn huyện có 100% (8/8) xã đạt chuẩn NTM, trong đó có xã Thanh Hải đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2021 có thêm 3 xã (Tân Hải, Xuân Hải và Tri Hải) đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 4/8 xã.

Một góc cơ sở hạ tầng huyện nông thôn mới Ninh Hải. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Trần Minh Thái, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đặt mục tiêu phấn đấu giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí huyện NTM; cấp xã tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng và có giải pháp duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã, thôn đã được công nhận đạt chuẩn NTM, chuẩn NTM nâng cao từ năm 2021 trở về trước để đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp,... để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, gắn với phát triển đô thị hóa. Huyện đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, văn hóa; tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn; tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ưu tiên thực hiện mô hình cánh đồng lớn; hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với nguồn vốn của trung ương và tỉnh hỗ trợ, Ninh Hải sẽ tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa, nhất là nguồn lực trong nhân dân; các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tiếp tục cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch phù hợp sát với thực tế.